Pages

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Bùi Tín - Tình hình không còn như trước nữa

Biểu tình chống Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 5/11/2015. (Ảnh: Danlambao/Fb Dung Mai)
Biểu tình chống Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 5/11/2015. (Ảnh: Danlambao/Fb Dung Mai)

Thế là mọi sự đã rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Điều mà một số cán bộ suy nghĩ và mong muốn đã không xảy ra. Mong muốn của họ là Bộ Chính trị phải tính đến chuyện xa rời dần bọn bành trướng và xích lại ngày càng gần các nước dân chủ như Hoa Kỳ, các nước Liên Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia, theo đúng nguyện vọng rộng rãi của nhân dân Việt Nam, vì theo cơ quan điều tra quốc tế Pew, 80 % người dân Việt Nam muốn kết bạn với phương Tây, chỉ có 17 % muốn gắn bó với Trung Quốc.

Trước đó cũng đã có những phán đoán lạc quan rằng người có thể lên nắm cương vị lãnh đạo mới trong năm 2016 muốn xích lại gần phương Tây sẽ ở thế thượng phong trong Bộ Chính trị và trong Ban Chấp hành Trung ương, sẽ có quyết sách mới, mạnh dạn xoay trục theo hướng Thoát Trung, và Đại Hội XII của đảng CS Việt Nam sẽ thay đổi hẳn mô hình chính trị-kinh tế một cách có hệ thống, thực hiện dân chủ đa nguyên một cách chủ động trong ổn định, không bạo lực, được toàn đảng và toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ, được cả thế giới dân chủ hoan ngênh nhiệt liệt. Đảng CS sẽ được ghi công là nghe theo nguyện vọng của toàn dân, cùng nhân dân mở ra Kỷ nguyên Dân chủ, Tự do thật sự cho đất nước, mở đường cho hòa hợp dân tộc, phát triển bền vững cho toàn dân chung hưởng, ly khai với chính sách tệ hại phụ thuộc Trung Quốc kéo dài ¼ thế kỷ, từ cuộc mật đàm Thành Đô năm 1990.

Thế nhưng mọi sự đã không tốt đẹp như thế. Cuộc đón tiếp Tập Cận Bình và đoàn Trung Quốc một cách long trọng, quá mức cần thiết đã phơi bày rõ ràng sự thật là toàn bộ « tứ trụ », tất cả 16 người trong Bộ Chính trị, 200 ủy viên Trung ương đảng, 500 đại biểu Quốc hội đều chung một quyết sách và thái độ thần phục bành trướng.

Trước khi Tập Cận Bình đến Việt Nam, đã có Tuyên bố của hơn 1.000 trí thức và đảng viên yêu cầu lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam phải có lập trường yêu nước vững vàng, đáp trả những lời lẽ trịch thượng của họ Tập, ít nhất cũng phải nói một lần là Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam với chứng cứ lịch sử rõ ràng, ít nhất cũng phải một lần lên án những cuộc tàn sát ngư dân ta. Nhưng đã không một người lãnh đạo nào dám lên tiếng đến nửa lời, không một ai dám chất vấn một câu, không môt ai dám bỏ phòng họp của Quốc hội ra ngoài để tỏ sự ý phản đối. Tất cả còn đứng dậy vỗ tay hoan nghênh.

Chính Tập Cận Bình tỏ ý muốn nói chuyện tại Quốc hội Việt Nam vì ông ta biết rằng hơn 90% đại biểu Quốc hội là cán bộ CS cấp cao; như thế coi như ông Tập đã trực tiếp ban huấn thị cho toàn đảng CS đàn em chấp hành.

Rõ ràng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tự mình tách khỏi toàn dân, đối lập với người dân lúc đó đang biểu tình tuần hành ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang…và bị công an cùng côn đồ đánh đập đến đổ máu.

Khi bọn khách của kẻ bầy tôi về rồi, lãnh đạo không còn trốn đâu cho thoát búa rìu của dư luận. Chưa bao giờ kẻ quy phục ngoại bang bị xã hội lên án dữ dội, nghiêm khắc như thế. Các mạng tự do khẳng định lãnh đạo CS Việt Nam là lũ bán nước, là kẻ phản quốc, «liếm gót dày bành trướng». Những kẻ vì tham quyền, tham lợi của phe đảng bán mình cho quỷ dữ, không còn có tư thế cầm quyền, cai trị đất nước, không còn mảy may tính chính đáng để đại diện cho nhân dân.

Chưa bao giờ khí thế của người dân yêu nước chống kẻ bạc nhược cầm quyền lại bùng nổ dữ dội như trong mấy ngày qua. Một loạt bài bình luật sắc bén, văn châm biếm, thơ đả kích, hình vẽ trào lộng lên án thói trịch thượng, kiêu ngạo, thâm hiểm của đoàn Trung Quốc và thái độ cúi đầu, quy thuận, của kẻ tay sai lộ nguyên hình.

Một chi tiết tưởng là nhỏ mà rất tiêu biểu là xe Tập Cận Bình ngồi, treo cờ Tàu, lại mang bảng số có con số 79 rành rành, mà không một ai ở ban lễ tân Bộ Ngoại giao và tình báo bộ Công an nhận ra, để buộc phải thay hay cất đi, vì bọn Tàu cố tình dùng con số 79 để làm nhục dân Việt, khi ai nấy đều biết năm 1979 là năm chúng đưa quân tràn qua biên giới tàn sát nhân dân ta. Chúng nó thâm độc, đểu cáng. Lễ tân bộ Ngoại giao chỉ lo việc triải thảm đỏ, yến tiệc, hầu hạ tận tình «khách quý» của họ. Cả bộ Công an có tai mắt khắp nơi mà không nhìn ra con số 79 in to, đậm trước và sau chiếc xe lớn nhất, còn cho mô tô và quân lính mặc lễ phục hộ tống bè lũ kẻ cướp. Khi họ nhắm mắt tận tâm hầu hạ những tên xâm lược giết hại dân ta như thế thì đồng đội của họ lại đang ngăn chặn, bắt bớ, đánh đập đến đổ máu anh chị em ruột thịt dám lên tiếng chống bành trướng trên đường phố. 

Toàn dân ta phải làm gì bây giờ? Tổ quốc đang lâm nguy, trong tình trạng cực kỳ khẩn cấp.

Chúng ta phải nghĩ đến những biện pháp, phương hướng, chủ trương đấu tranh quyết liệt tương xứng với nguy cơ cực lớn trước mắt. Trong bài trước tôi đã đề nghị các nhân vật yêu nước tiêu biểu, các luật sư, giáo sư, nhà sử học, nhà ngoại giao, nhà báo, cùng người lãnh đạo các tổ chức dân sự, các blogger tự do, nhà kinh doanh hãy bàn bạc trên tinh thần hợp tác anh em, nhân nhượng và tương kính để lập nên một Tòa án Lương tâm Đặc biệt nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình thậm cấp chí nguy này.

Trong tình hình mới, các hội nghị Trung ương đảng CS Việt Nam lần thứ 13 và 14 sắp tới sẽ không giải quyết được gì, mà chỉ là chui sâu thêm vào cái bẫy bành trướng, để kiên định chủ nghĩa xã hội mơ hồ, kiên định chế độ độc đảng tệ hại, kiên định nền kinh tế chỉ huy nguy hiểm. Nếu không có một sức ép mạnh mẽ của toàn xã hội thì ngay cả Đại hội đảng XII cũng sẽ vô tích sự, kế hoạch 5 năm cũng chỉ đi sâu vào bế tắc lẩn quẩn, không những không thoát khỏi khủng hoảng trì trệ, mà còn lún sâu thêm vào bế tắc triệt để về mọi mặt, và rồi toàn xã hội, toàn dân phải gánh chịu mọi hậu quả bi đát nhất.

Do vậy mọi tinh lực dân tộc phải hướng vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng giành độc lập, tự do thật sự, Tự do thật sự. Vấn đề then chốt hiện nay là các lực lượng yêu nước thức tỉnh và huy động toàn dân xuống đường biểu thị ý chí, nguyện vọng của mình trong tình hình mới hiện nay. Sự kiện tuyên bố phản đối Tập Cận Bình đến Việt Nam chỉ 3 ngày đã có hơn 1.000 chữ ký và hơn 200 luật sư cùng nhau xuống đường đòi công lý là những dấu hiệu tốt đẹp. Nay là lúc nên đem ra vận dụng rộng rãi những kinh nghiệm thực tiễn quý báu của các cuộc xuống đường trong những năm 2012, 2013 và 2014.

Từ Myanmar đang vang lên lời nhắn nhủ tâm huyết của nữ anh hùng Aung San Suu Kyi: “Không phải cường quyền làm cho tình hình khẩn cấp, mà chính là nỗi sợ. Nỗi sợ mất quyền của kẻ cầm quyền và nỗi sợ cái dùi cui của người dân bị đè nén».

Khi đông đảo nhân dân không còn sợ dùi cui, cường quyền, đồng lòng đứng lên làm chủ vận mệnh của mình thì mọi sự đều có thể. Tương lai và hạnh phúc của dân tộc sẽ thành hiện thực, và nhân dân Việt Nam tay không với ý chí và tâm huyết của mình sẽ làm nên lịch sử, khai sáng ra kỷ nguyên Tự do cho Tổ quốc thân yêu.

Blog Bùi Tín

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

(VOA)

Không có nhận xét nào: