Trả lời trước Quốc hội vào ngày 18/11/2015, Thủ tướng Dũng mô tả điều ông gọi là “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được đề cập toàn diện trong Cương lĩnh, Hiến pháp, nhiều Nghị quyết của Đảng và trong dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - Xã hội trình Đại hội XII của Đảng.
“Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế. Riêng đối với những hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu (bao gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục), kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá,” ông Dũng nói thêm.
Thế nhưng có khoảng cách lớn giữa sự hùng biện và thực trạng giá cả mà chính phủ của Thủ tướng Dũng đang quản lý theo các văn bản mà ông thỉnh thoảng lại ban hành.
Tờ The Economist, tạp chí có uy tín của Anh, mới đây có bài đặt câu hỏi về mức độ cam kết cải cách kinh tế của Việt Nam.
Bài báo dẫn chiếu tới biện pháp mà Việt Nam đưa ra nhằm “bình ổn giá sữa” như một ví dụ cho thấy vì sao Hoa Kỳ và EU vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị thường (Nền kinh tế phi thị trường đẩy Hà Nội vào thế bất lợi khi bị kiện trong các vụ bán phá giá).
Sữa bột là ngành được mô tả là thu lại 640 triệu đôla doanh thu trên thị trường Việt Nam.
Vào ngày 20/5/2014, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ra một quyết định về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, thời hạn áp dụng giá tối đa bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc vào ngày 31/5/2015.
Tuy nhiên Thủ tướng Dũng đã gia hạn quyết định này tới 31/12/2016. Báo chí do chính phủ kiểm soát mô tả “Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ và Bộ Tài chính, được người tiêu dùng và dư luận ủng hộ.”
Theo The Economist, quyết định này có thể được tung ra để gây thiệt hại cho các công ty nước ngoài và làm lợi cho các đối thủ cạnh tranh nội địa như Vinamilk, tập đoàn mà hiện Chính phủ Việt Nam đang nắm 45% cổ phần.
“Một số người cho rằng điều này phản ánh não trạng cũ kỹ về vai trò của chính phủ đối với thị trường. Lý do gì đi chăng nữa thì các công ty nước ngoài và các tòa đại sứ nước ngoài tại Hà Nội hết sức bất bình,” bài báo nói.
Báo này dẫn chiếu tới một khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói 42% giới chức Việt Nam được hỏi cho rằng cơ chế bình ổn giá đối với sữa, gạo và các sản phẩm khác là có tác dụng như công cụ điều tiết giá cả thị trường (năm 2011 68% số được hỏi trả lời như vậy).
Ông Adam Sitkoff, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, được tạp chí này dẫn lời nói rằng luật về sữa là sự can thiệp phi thị trường có mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của hiệp định TPP.
Trong khi đó hiện chưa rõ lộ trình thoái vốn khỏi Vinamilk, công ty được báo chí trong nước mô tả là “con bò sữa” của chính phủ (giá trị cổ phiếu do SCIC nắm khoảng 2.46 tỉ USD), cho tới khi nào mới được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Dũng.
Mới đây 8 nhà nhập khẩu và phân phối xe hơi tại Việt Nam lên tiếng về các vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các nhà nhập khẩu, trong văn bản gửi Thủ tướng Dũng các các cơ quan của ông, cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây nên nhiều xáo trộn và khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp nói chung để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp”, các nhà nhập khẩu cho biết.
Nhóm doanh nghiệp này cũng cho rằng việc thay đổi và thay đổi liên tục sẽ “gây nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ôtô nói riêng tại Việt Nam. Bởi lẽ, một nghị định vừa mới được ban hành thì gần như bị sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung hoàn toàn khác biệt,” theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Vào tháng 9 năm nay, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) nói với BBC rằng có tới 50% doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn về thủ tục thuế tại Việt Nam và cho rằng các thủ tục này là " phức tạp và mất thì giờ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét