Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Công nhân Cty Yupoong phản đối bồi thường nghỉ việc không thỏa đáng

Tường An, thông tín viên RFA

cong-nhan-yupoong-622.jpg

Công nhân công ty Yupoong tại khu công nghiệp Loteco, phường Long bình, Thành phố Biên Hòa, ảnh chụp hôm 9/11.
Hình: Lao Động Việt


Đòi công lý

Bất ngờ trước sự chấm dứt hợp đồng và bồi thường không thỏa đáng của công ty Yupoong tại khu công nghiệp Loteco, phường Long bình, Thành phố Biên Hòa, từ ngày 9/11 gần 2.000 công nhân đã kéo đến công ty để phản đối quyết định này. Cho tới ngày 12/11, các công nhân vẫn còn tiếp tục tụ tập trước công ty đòi công lý.
Hôm nay là ngày thứ 4 công nhân kéo đến công ty phản đối việc công ty sa thải 1.487 công nhân và bồi thường không thỏa đáng. Anh Nam, một công nhân đã 13 năm thâm niên làm tại phân xưởng 1 chia sẻ:
“Tụi em làm lâu năm, gắn bó với công ty, công ty ăn nên làm ra, có thêm những chi nhánh con. Mà bây giờ cho tụi em nghỉ việc mà chỉ cho tụi em có nhiêu đó thôi, thật sự nó quá eo hẹp cho tụi em. Tụi em cảm thấy rất là bức xúc. Làm lâu năm mà cho nghỉ cuối cùng chỉ có một tháng lương đó thôi. Thật sự cầm 1 tháng lương đó ra cũng đâu có làm được gì, lảnh tiền bảo hiểm ra thì cũng chẳng được bao nhiêu.”
Tụi em làm lâu năm, gắn bó với công ty, công ty ăn nên làm ra, có thêm những chi nhánh con. Mà bây giờ cho tụi em nghỉ việc mà chỉ cho tụi em có nhiêu đó thôi, thật sự nó quá eo hẹp cho tụi em.
-Anh Nam
Với những người lớn tuổi, tìm lại việc làm là một điều không dễ dàng, chị Lâm, làm viêc tại đây đã 13 năm bức xúc nói:
“Tụi em đã cống hiến cho công ty bao nhiêu năm, bây giờ lớn tuổi thì công ty muốn đuổi đi bằng một cách như vậy. Không riêng một mình em mới 38-39 tuổi mà nhiều người đã 40-41 tuổi mà đã cống hiến cho công ty 13 năm rồi mà bây giờ đuổi người ta ra đường một cách như vậy chị thấy có được hay không? Cống hiến cho công ty bao nhiêu năm mà công ty coi công nhân không ra gì, đúng là quá bức xúc chị ạ.”
Công ty Yupoong là một công ty vốn 100% Hàn Quốc sản xuất mũ vải cung cấp cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Columbia… Hoạt động từ tháng 7 năm 2002. Yupoong có 2 phân xưởng với khoảng 2.400 công nhân Đêm 21 rạng 22/9 công ty bị hỏa hoạn cháy phân xưởng 1. Công nhân tại phân xưởng 1 được thông báo nghỉ, công ty trả 3 triệu 1 cho mỗi công nhân. Phân xưởng 2 làm việc bình thường. Đột nhiên, ngày 7/11 công ty ra thông báo cắt hợp đồng đơn phương cho cả hai phân xưởng vì lý do không sản xuất ra thành phẩm. Công ty đề nghị bồi thường cho mỗi người 1 tháng lương, quyết định có hiệu lực 45 ngày cho công nhân thâm niên và 30 ngày cho công nhân mới vào kể từ ngày ra thông báo. Điều này gây phẫn nộ cho những công nhân đã làm viêc lâu năm, chị Nhân, làm việc tại phân xưởng 2 đã 11 năm nói:
“Còn bên xưởng 2 vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 29 tự nhiên công ty thông báo cho nghỉ. Tụi em nghỉ được 7-8 ngày thì công ty ra thông báo là cắt hợp đồng hết. Không ai được đi làm hết. Ai dài hạn là 45 ngày, ai chưa dài hạn thì 30 ngày. Công ty hỗ trợ một tháng lương là xong, chấm dứt! Không có gì hết!”
Khoảng vài trăm công nhân mới vào làm thì đã ký đơn nghỉ việc, gần 1.500 công nhân thâm niên cương quyết không ký nếu không bồi thường thỏa đáng. Nếu không đền bù thỏa đáng thì thiệt hại nhất vẫn là những phụ nữ đang mang thai, họ sẽ không được hưởng trợ cấp Bảo Hiêm Xã Hội khi sinh nở. Chị Hiền, đang mang bầu 6 tháng cho biết chị vẫn chưa nghe được gì cụ thể từ phía công ty:
“Không thấy nói gì. Chứ thấy thông báo rõ ràng, tụi em đâu có biết gì đâu. Chỉ nói miệng chứ giấy tờ thì đâu biết như thế nào. Tụi em cũng có tờ hợp đồng, chẳng thấy nói bầu bì người ta bồi thường cho bao nhiêu đâu?”
Ngoài ra, nhiều công nhân cũng cho biết ngày 7/11 công ty bắt công nhân phải ghi vào đơn xin nghỉ việc vì lý do hỏa hoạn, các công nhân của phân xưởng 2 phản đối vì phân xưởng 2 không hề bị cháy. Sau đó vài ngày công ty mới đồng ý cho công nhân ghi trong đơn nghỉ việc là cắt hợp đồng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân cũng cho rằng việc công ty cắt hợp đồng đơn phương vì lý do hỏa hoạn có nhiều khuất tất. Họ đặt nghi vấn về việc cháy của phân xưởng 1 đêm 21 rạng 22/9 vừa qua. Chị Nhân ghi nhận vài chi tiết không hợp lý:
“Em làm từ trước đến giờ không thấy sự cố gì xảy ra. Trước lúc cháy khoảng 1 tháng công ty có kêu công nhân ghi lại những số địa chỉ hiện tại cho chính xác, công ty không nói là để làm gì hết . Em thắc mắc như vậy vì khi tụi em nộp hồ sơ là địa chỉ đầy đủ đã có trong đó hết rồi mà tại sao lý do nào mà công ty bắt ghi địa chỉ? Bùng ra là đêm 21/9 công ty bị cháy thì công nhân rất là nôn nóng vì công nhân ở phòng trọ gần công ty rất là nhiều. Người ta muốn xông vô cứu chữa những gì được thì được nn mà trong công ty không ai cho cứu chữa gì hết, cứ nói để đó đi, bình thường, để đó đi khi nào ông Tổng tới mới được cứu chữa. Xe chữa lửa vô thì 5 xe mà chỉ có 2 xe có nước, trong công ty cũng không có nước. Trong khi cháy thì không có nước mà mấy ngày hôm sau thì nước lênh láng hết.”

Không tin lời hứa của công ty?

Ngày 11/11, đại diện Ban Giám Đốc Công ty Yupoong cho biết, sẽ nhận lại 1/3 số lượng công nhân đã chấm dứt hợp đồng. Đối với lao động lớn tuổi, công ty có cam kết, khi khôi phục lại phân xưởng 2, công ty sẽ ưu tiên nhận lại những công nhân đó. Tuy nhiên công nhân có vẻ không tin vào những lời hứa miệng này, chị Nhân khẳng định:
“Dạ không, nói chung là tụi em không tin tưởng là công ty sẽ làm những gì mà công ty đã nói. Nếu mà làm được thì phải có văn bản hay như thế nào chứ!”
Anh Nam cũng đồng tình:
Lên công đoàn thì họ bảo là công ty làm đúng luật. Nhưng mà đúng luật ở đâu? Xưởng 1 cháy, xưởng 2 đâu có cháy đâu cũng cho xưởng 2 nghỉ luôn.
-Chị Lâm
“Thì hầu như tất cả không ai tin. Yêu cầu giám đốc cho một cái văn bản, nhưng giám đốc không đồng ý; Nhưng lời nói thì gió bay, giờ nói thì phải có văn bản hoặc may người ta có thể tin được. Chứ bây giờ nói là sau này công ty thành lập lại sẽ nhận vô thì lúc đó lớn tuổi rồi ai nhân vô công ty nữa ? Già, mắt kém, thao tác cũng chậm, ai mà nhận được?”
Ngày 5/10 vừa qua, Hiêp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thông qua. Việt Nam là 1 trong 12 thành viên. Tuy nhiên hầu như các công nhân không ai có một khái niệm TPP là gì. Các cơ quan chức năng của nhà nước cũng chưa hề giải thích cho công nhân nghe về một phạm trù có liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của họ. Chị Lâm cho biết chưa hề nghe đến 3 chữ này:
“TPP đó hả? Tụi em nói chung cũng không chú ý cho lắm, cứ nghĩ đi làm công ty là chắc ăn rồi, đi làm vậy thôi chứ cũng không để ý.”
Anh Nam nói:
“Dạ chưa bao giờ tụi em nghe tới cái này.”
Có mặt tại hiện trường, đại diên của Lao Động Việt tại Việt Nam là cô Đỗ thị Minh Hạnh xác nhận:
“Khi tiếp xúc với công nhân thì chúng tôi mới biết rằng công nhân không biết gì về TPP cả, do đó Lao Động Việt chúng tôi đã giải thích cho công nhân về TPP mà những quyền lợi mà họ có thể có được thông qua TPP cũng như là quyền được thành lập nghiệp đoàn độc lập.”
Trước những khuất tất của công ty, một số công nhân đã viết thư lên chi nhánh của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, Sở Thương Binh Xã Hội nhờ cứu xét, nhưng cho tới hôm nay họ vẫn không nhận được phản ứng nào từ hai cơ quan đại diện cho người lao động này. Chị Lâm nói:
“Công nhân rất là bức xúc, đã gửi đơn lên Liên đoàn Lao động với sở Thương binh Xã hội mấy ngày, cả tuần nay chưa thấy ý kiến gì.”
Hỏi cán bộ công đoàn của công ty thì họ cho rằng công ty làm đúng, công nhân phải theo. Anh Nam nói:
“Công đoàn của công ty em nói là công ty làm đúng luật rồi, họ (công đoàn nhà nước) kêu tụi em ghi đơn (xin nghỉ việc) rồi lấy sổ Bảo Hiểm Xã Hội qua công ty khác làm.”
Nhiệm vụ của công đoàn há có phải là để bảo vệ công nhân thay vì bênh vực chủ nhân? Chị Lâm thắc mắc:
“Lên công đoàn thì họ bảo là công ty làm đúng luật. Nhưng mà đúng luật ở đâu? Xưởng 1 cháy, xưởng 2 đâu có cháy đâu cũng cho xưởng 2 nghỉ luôn.”
Chị Nhân cũng bức xúc vì mỗi tháng đóng công đoàn phí mà đến khi cần thì không được công đoàn bảo vệ:
“Người công đoàn không đứng ra giải quyết cho công nhân gì hết! Tới tháng là cứ lấy tiền, lấy tiền. Đến khi tụi em có chuyện thì không có ai ra giải quyết cho công nhân hết. Kêu ra giải quyết cũng không ra luôn, gọi điện là tắt máy luôn.”
Thành viên của Lao Động Việt, một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, cô Minh Hạnh cho biết hôm nay đã cùng với đại diện của văn phòng luật sư đến gặp công nhân hầu trợ giúp cho họ về mặt luật pháp. Cô Minh Hạnh nói:
“Khi mà nhận được tin này thì chúng tôi, Lao Động Việt đã có mặt tại hiện trường và chúng tôi đã nhờ một văn phòng luật sư để can thiệp. Chúng tôi sẽ bám sát và theo dõi tình hình của công nhân tại công ty để giúp đỡ họ về mặt luật pháp. Nếu như trong trường hợp mà phải khởi kiện ra tòa thì chúng tôi sẽ giúp đỡ họ.”
Chúng tôi gọi đến cán bộ công đoàn của công ty để tìm hiểu thêm thì không ai bắt máy, còn gọi đến công ty Yupoong thì chỉ nghe:
“Cám ơn quý khách đã gọi đến công ty Yupoong Việt Nam, xin vui lòng bấm số 11 hoặc bấm số 0 để được giúp đỡ… bíp… ring… ring… ring…”
Tin mới nhất chúng tôi nhận được, trước phản ứng quyết liệt của công nhân, công ty đã đồng ý thương thuyết với công nhân vào ngày 13/11. Công nhân cho biết sẽ tiếp tục phản đối đến khi nào công ty Yupoong có sự bồi thường thỏa đáng cho sự cống hiến tận tụy của hơn 2.000 công nhân trong suốt thời gian qua cho công ty
.

Không có nhận xét nào: