Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

CSVN bỏ biển Đông cho Trung Cộng

Cuộc thăm viếng CSVN chánh thức hai ngày 05-06/11/2015, của Chủ Tịch Trung Cộng Tập cận Bình là một dấu chỉ cho thấy rõ rệt nhứt Hoàng sa, Trường sa và Biển Đông của VN đã vào trong tay TC rồi. Bao lâu mà nhân dân VN chưa giải trừ được chế độ CS độc tài đảng trị toàn diện trên quốc gia dân tộc VN, thành lập một chánh quyền tự do, dân chủ của dân, do dân, vì dân để có thể tạo được nội lực dân tộc là điều kiện tiên quyết chống xâm lăng và quốc tế vận, thì đừng có mong gì lấy lại phần giang sơn gấm vóc ấy.

Các nhà hoạt động Philippines biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, phía nam Manila.

Công tâm mà nói thế nước lòng dân VN đã áp lực phần nào Đảng Nhà Nước CSVN. Trong ba buổi hội đàm, cả bộ tam sên của triều đình đỏ CSVN, là Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp gỡ Chủ Tịch Bình của TC đều có yêu cầu TQ “không quân sự hóa Biển Đông, cố gắng kiểm soát các bất đồng trên biển và duy trì hòa bình trong khu vực”.

Nhưng yêu cầu này của ba người lãnh đạo Đảng Nhà Nước CSVN là cuộc nói chuyện với một người giả câm và điếc trong lập trường Biển Đông của VN. Lập trường giả câm và điếc của Chủ Tịch TC về Biển Đông thấy rõ hơn khi Ông đòi Quốc Hội đảng cử dân bầu của CSVN họp khoáng đại để nghe Ông phát biểu ngày 06/11/2015. Chương trình dự trù 10 phút, Chủ Tich Bình nói tràng giang đại hải, lố 10 phút, vừa nói vừa vỗ tay cho cử toạ vỗ tay theo. Ông nói nào là TQ, VN liền núi, liền sông, Mao và Hồ là bạn, trích dẫn nhiều câu thơ Đường và thơ của ông Hồ Chí Minh. Ca ngợi tương quan Việt-Trung [CS] là cổ đại, là 14 chữ vàng [khè] và 4 cái tốt [làm] hai Đảng thành đồng chí, hai nước đồng minh nhau. Ông còn “giáo dục” Quốc Hội CSVN, «lấy chữ tín làm nền tảng», «láng giềng bao giờ cũng có những va chạm nhất định, nhưng khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết», «kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân», «gien hòa hiếu của Trung Quốc chưa bao giờ biến dị», hai nước phải tay trong tay không cho phép bất kỳ ai làm gián đoạn tiến độ”.

Nhưng cái mà các “đại biểu” nhân dân đảng cử dân bầu muốn nghe - là vấn đề Hoàng sa, Trường sa Biển Đông của VN bị TC xâm lấn, gây căng thẳng, Chủ Tịch Bình của TC không nói một câu, một chữ nào. Chủ Tịch Binh không hở môi về Hoàng sa, Trường sa, và Biển Đông vì TC coi như chuyện đã rồi, không cần nói nữa.

Thế mà, tiếu lâm nhứt, khi Ông ngưng thì các đại biểu danh nghĩa gọi là đại biểu nhân dân, nhưng thực chất là những con múa rối do Đảng Nhà Nước CSVN dựng lên, cùng đứng dậy vỗ tay hoan hô om sòm.

Tuy nhiên, báo chí của Đảng Nhà Nước cũng ghi nhận một số nhận xét riêng tư sau cuộc họp. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: «Lời lẽ của ông Tập rất hay nhưng điều quan trọng là việc làm. Câu chuyện trên Biển Đông như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được». Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: «Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết nào về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa». Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng băn khoăn trước việc bài phát biểu của ông Tập «không có từ nào nhắc đến Biển Đông». Về vấn đề «đại cục» và «tiểu cục», theo ông: «Những chuyện họ nói là nhỏ, với dân tộc Việt Nam thì không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng đối với người dân Việt».

Nếu ở một Quốc hội tự do, dân chủ như Pháp, Mỹ thì quí vị dân biểu có thể tẩy chay không dự phiên họp, đứng dậy phản đối bỏ ra ngoài chống kẻ đã xâm lấn giang sơn gấm vóc của quốc gia dân tộc mình.

Tội nghiệp cho dân chúng VN sống trong gông cùm CS, bị hai tầng thống trị, thù trong là CSVN và giặc ngoài là TC xâm lược, vẫn cố gắng chống đối Tập cận Bình. Hà nội và Saigon đều có biều tình phản đối Tập cận Bình. Ngày 04/11/2015 dù những nhân vật chánh bị công an ngăn đường chận nẻo, cô lập tại nhà nhưng khoảng 200 người ở Saigon đã len lỏi đến tham gia cuộc biểu tinh và tuần hành phản đối Tập Cận Bình do các nhân sĩ trí thức trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng. Sau đó các nhân sĩ đã đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để trao thư phản đối, yêu cầu các đại biểu có thái độ thích đáng đối với người đã từng khẳng định «Biển Đông là của Trung Quốc» trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhưng không được tiếp nhận. Theo AFP, vài giờ trước lúc Chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Hà Nội, nhiều người đã tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ chống Bắc Kinh ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn tại Hà Nội, tin AFP cho biết, khoảng hơn một chục người đã mang theo các khẩu hiệu như «Phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình», hay áp phích cho thấy ảnh của Chủ tịch Trung Quốc bên trên tô thêm một gạch chéo hình chữ X kết họp với gần 40 người đã có mặt tại đại sứ quán Trung Cộng bắt đầu cuộc biểu tình. Mọi người vừa tập họp chưa được bao lâu thì đã bị lực lượng công an ra tay đàn áp, bắt bớ. Theo một số nhân chứng, trái với những lần biểu tình vào những hôm trước đây, công an đã nhanh chóng giải tán nhóm biểu tình, quây bắt những người tham gia và đưa lên xe buýt chở đi. Trong khi CSVN trấn áp những người dân biểu tình chống TC trong nước, thì ngoài Biển Đông và hai đảo Hoàng sa và Trường sa, TC chiếm cứ, bồi lắp, xây cất, quân sự hoá. Nhưng CSVN không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ trừ những lời tuyên bố suông về chủ quyền mà TC coi như không có, không buồn trả lời trả vốn gì cả. Đến đỗi Mỹ cho tuần tra vào bên trong 12 hải lý ở đảo Trường sa mà TC đã lấy của VN, CSVN cũng không có lời ủng hộ Mỹ.

Và Mỹ cũng không thể giúp gì cho CSVN khi mà Hà nội không một tiếng yêu cầu. Trước thái độ và hành động của CSVN buông Hoàng sa, Trường sa, và Biển Đông cho TC, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không quốc tế là quyền lợi cốt lõi của Mỹ. Chánh quyền Mỹ chỉ chống TC làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông, vi phạm tự do hàng hải, hàng không quốc tế - mà Mỹ xem là quyền lợi quốc gia của Mỹ - chớ không xen vào chủ quyền biển đảo của nước nào. Chưa bao giờ nghe một giới chức lập pháp, hành pháp, quân đội Mỹ nào nói đến bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN. Hoàn toàn khác với vụ TC tranh chấp đảo Senkaku của Nhựt, và bãi cạn Scarborough của Phi, Nhựt, Phi là đồng minh quân sự của Mỹ, thì Mỹ công khai cho đó là lãnh thổ và lãnh hải mà Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quân sự, theo hiệp ước phòng thủ chung./.

Vi Anh

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào: