Tòa tại Việt Nam dường như tìm mọi cách gây khó khăn cho luật sư bảo vệ thân chủ trong những vụ án liên quan đến dân oan và các nhà hoạt động.
Trả lời BBC hôm 13/11 từ tỉnh Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho biết bản thân ông từng nhiều lần bị cơ quan điều tra không cấp giấy chứng nhận bào chữa, hẹn lần lữa nhiều ngày. Ví dụ, gần đây là trường hợp bị cáo Nguyễn Viết Dũng, ông đã gửi thông báo bào chữa cho Tòa án Nhân dân TP Hà Nội 20 ngày nhưng đến nay vẫn chưa cấp giấy chứng nhận, dù theo quy định của pháp luật là trong vòng ba ngày.
“Thực tế, những vụ án liên quan đến dân oan, nhà hoạt động thì có lẽ người ta không muốn luật sư tham gia tố tụng nên tìm mọi cách gây khó khăn như việc không cấp giấy chứng nhận”, ông Đôn nói thêm.
Luật sư cho rằng việc bỏ thủ tục cấp chứng nhận bào chữa chỉ có thể xảy ra khi giới luật sư Việt Nam cùng đồng lòng ký đơn kiến nghị tập thể đến Quốc hội và Chính phủ vì đó là “quyền lợi của cả giới”.
Ông cho rằng trong các vụ án dân sự, hình sự, lẽ ra khi bị can, bị cáo có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư chỉ cần gửi thông báo và tòa xác nhận chứ không cần thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Ông cũng khẳng định: “Thủ tục cấp giấy chứng nhận luật sư bào chữa chỉ có thông lệ tại Việt Nam và một số nước Xã hội Chủ nghĩa chứ không tồn tại ở những nước văn minh”.
“Nếu bỏ thủ tục cấp chứng nhận bào chữa thì đó là tin mừng cho giới luật sư vì lâu nay đấy là sự cản trợ họ trong quá trình tham gia tố tụng,” ông Đôn nói thêm.
Từ khi sửa Luật Luật sư năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận luật sư bào chữa nhưng chưa có động thái triển khai.
Hôm 12/11, báo Pháp Luật tường thuật: “Quốc hội Việt Nam cho rằng đây là vấn đề của tố tụng, chỉ có thể giải quyết bằng sửa Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đến đợt sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, từ cơ quan soạn thảo tới Quốc hội ở lần cho ý kiến đầu tiên, vẫn giữ quy định hiện hành về cấp giấy chứng nhận cho luật sư”.
Báo này dẫn lời luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội cho biết: “Đây là vấn đề gây bức xúc. Kết quả cuộc thăm dò gần đây về thủ tục này, đa số đại biểu ủng hộ bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận”.
Mấy ngày trước, mạng xã hội xôn xao vụ kêu gọi 200 luật sư tuần hành đưa kiến nghị đến Bộ Tư Pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Công An TP Hà Nội. Một trong hai nội dung chính của cuộc tuần hành là nộp văn bản yêu cầu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi trong tố tụng hình sự và dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét