Pages

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

IS là gì và nguy hiểm tới đâu?

Sau vụ tấn công liên hoàn ở Paris của gần 10 tay súng và kẻ đánh bom liều chết mà Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận là người của họ, nhiều tiếng nói tại châu Âu và Hoa Kỳ đề nghị đánh giá lại tổ chức này và thực lực của họ.

Image copyrightAP
Image captionAl- Baghdadi tự xưng là giáo chủ của Vương quốc Hồi giáo cuối cùng, trước ngày Tận Thế

Đây chỉ là một 'tổ chức khủng bố' hay đã là thực thể như quốc gia vì có dân, quân và lãnh thổ, hay còn là một giáo phái tận thế?
Câu hỏi 'IS có phải Hồi giáo?', 'theo gì trong Hồi giáo? hay 'hoàn toàn không phải đạo Islam?' cũng được nêu ra.

IS muốn gì?

Vào tháng 6/2014, tổ chức này chính thức xưng danh là Vương quốc Hồi giáo - 'caliphate (khalifah) - một nhà nước được cai trị hoàn toàn bằng luật Hồi giáo (Sharia) và do vị giáo chủ (caliph) là người tuân lệnh Thượng Đế trên Trái Đất.
Ibrahim Awad Ibrahim al-Badri al-Samarrai, còn có tên là Abu Bakr al-Baghdadi ra lệnh cho mọi người Hồi giáo toàn cầu phải thần phục ông ta và buộc họ dọn về vùng đất IS làm chủ để sống.
IS cũng bắt các nhóm Thánh chiến (jihadist groups) trên cả thế giới phục tùng mình.

Image copyrightISLAMIC STATE
Image captionIS muốn dựng lại một chế độ theo luật Hồi giáo như thời Trung Cổ

Ý thức hệ của IS là "xóa bỏ cản trở trước quyền lực Thượng Đế, bảo vệ cộng đồng Hồi giáo (umma) toàn cầu, mở cuộc chiến chống lại mọi kẻ phản đạo (apostates) và dị giáo (infidel -kafir).

Image copyrightGetty
Image captionPhụ nữ Yazidi từ Iraq tại một trại tỵ nạn. Những người bị IS bắt kể lại cảnh hãm hiếp tập thể và làm nô lệ

Sự tàn bạo của IS, từ chặt đầu, đóng người lên cây thập ác, xử bắn hàng loạt có mục tiêu khủng bố đối thủ.
Nhưng thành viên IS biện hộ cho các hành động này, trích ra Kinh Koran và các điển tích Hồi giáo Hadith, dù người Hồi giáo bác bỏ điều đó.
Theo một số nhà quan sát, IS áp dụng việc hiếp tập thể phụ nữ và bắt tù binh làm nô lệ là diễn giải nguyên văn của một số tín điều trong các cuộc chiến thời trung cổ.

IS có bao nhiêu tiền và tay súng?

Bộ Tài chính Mỹ ước tính hồi 2014 rằng IS có thể thu về vài triệu USD mỗi tuần, và đã có thể có 100 triệu USD từ bán dầu thô, dầu đã lọc cho các nhóm trung gian chuyển qua biên giới bán lậu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hoặc chính chính quyền Syria.
Tuy nhiên, sau khi Phương Tây oanh kích các mục tiêu tại vùng IS kiểm soát, nguồn thu này có thể sụt giảm.
Vào tháng 1/2015, tình báo Hoa Kỳ qua lời ông James Clapper ước tính IS có từ 20 nghìn đến 32 nghìn tay súng tại Iraq và Syria.
Nhưng ông Clapper cũng nói từ khi có các cuộc oanh kích bắt đầu vào tháng 8/2014, con số quân IS bị giết cũng khá nhiều.
Đến tháng 6/2015, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói hơn 10 nghìn chiến binh IS bị giết.

Image copyrightAP
Image captionIS có súng chống tăng
Image copyrightBBC World Service
Image captionIS đăng video gửi ra thông điệp cho Paris

Có thể để bổ sung quân ở Trung Đông, IS nay chuyển hướng chiêu bộ ra nơi khác, gồm cả cưỡng bức dân các vùng chiếm đóng vào quân đội.
Chuyên gia Iraq Hisham al-Hashimi tin rằng chỉ có 30% số chiến binh thực sự là tin vào ý thức hệ IS, còn lại bị bắt lính.
Nhưng chính những kẻ từ bên ngoài gia nhập đội quân của IS có vai trò đáng kể.
Tháng 10/2015, Giám đốc cơ quan chống khủng bố của Hoa Kỳ, ông Nicholas Rasmussen nói với Quốc hội rằng IS thu hút chừng 28 nghìn chiến binh từ ngoại quốc, trong số có 5000 người Phương Tây, gồm cả 250 người Mỹ.
Các báo tiếng Anh đã có nhiều bài nói về vai trò của những người gốc Âu Mỹ hay Úc cải đạo theo Hồi giáo (white converts) trong hoạt động của IS.
Một số dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ để rao giảng, tuyển bộ chiến binh cho IS ở Phương Tây.
Nhưng các lo ngại nay hướng về những dòng vũ khí từ Balkans đưa vào Tây Âu mà các 'chi bộ bí mật' của IS mua tại thị trường chợ đen để tấn công các mục tiêu dân sự.
Giới an ninh châu Âu cũng chú ý đến những kẻ sinh ra và lớn lên tại châu Âu nhưng được thuyết phục đi theo IS và tình nguyện thực hiện các vụ tấn công chỉ đạo từ Syria.
Frank Gardner viết trên BBC rằng "Trong bối cảnh phải hứng chịu không kích hàng ngày của liên quân do Mỹ dẫn đầu, IS ngày càng nhắm đến việc chỉ đạo hoặc gợi hứng cho các vụ tấn công ở xa", và đây là mối đe dọa mới cho châu Âu.

IS chờ ngày tận thế?

IS thu thuế, quản lý nhân khẩu và điều hành bệnh viện nhưng Ngày Tận Thế là điểm nổi bật trong tuyên truyền của họ.
Nếu như Osama Bin Laden ít nói về Ngày Tận Thế thì theo Will McCants từ Viện Brookings, tác giả một cuốn sách về IS, ý tưởng về ngày thế giới chấm dứt nằm ở vị trí trọng tâm trong tư duy lãnh đạo IS.

Image copyrightGetty
Image captionKhác với lãnh đạo IS, Bin Laden lúc sinh thời không nói nhiều về Ngày Tận Thế
Image copyrightamazon
Image captionTạp chí Dabiq của IS lấy theo tên địa danh xảy ra 'cuộc chiến sinh tử' với Phương Tây trước giờ Tận Thế

BBC Monitoring ghi nhận tạp chí tuyên truyền bằng tiếng Anh của IS lấy tên là Dabiq, một thị trấn nghèo nàn, có chừng 3000 dân ở Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chừng 10 km.
Dabiq từng xuất hiện trong các lời thánh tích đạo Hồi.
Người ta tin rằng Đấng Tiên tri Muhammad từng nói "Hồi giáo phá tan quân La Mã tại Dabiq hay Al-A'maq", báo hiệu giờ Tận Thế sắp điểm.
Quân Hồi giáo sau đó sẽ tiến lên chiếm Constantinople (nay là Istanbul).
IS nay tìm cách tạo ra cuộc chiến 'sinh tử với Phương Tây' ở Dabiq qua cách 'dụ dỗ' liên quân quốc tế tiến vào.
Khi nghe tin (nhầm) có lính Mỹ xuất hiện ở Dabiq, các trang mạng của IS "rộ lên cơn sung sướng chưa từng có" vì tin là sắp tới ngày phán xử.
Dabiq cũng là nơi IS chặt đầu con tin người Mỹ, ông Peter Kassig (người đã cải đạo theo Hồi giáo và có tên là Abdul-Rahman Kassig).
IS mong chờ việc lặp lại cuộc Thánh Chiến chống 'Quân Thập tự chinh' mà theo họ nay là quân Mỹ.
Viễn cảnh làm 'trong sạch nhân loại', chờ ngày phán xử cuối cùng cũng tạo ra sức hút với giới trẻ một số nước.

IS và Hồi giáo


Image captionÝ thức hệ của IS thu hút không ít người ngoại quốc gia nhập lực lượng này
Image captionHồng thập tự Quốc tế tin rằng IS nắm 10 triệu dân trong vùng lãnh thổ rộng hơn Anh Quốc

Graeme Wood viết trên TheAtlantic.com:
"Thực tế là Nhà nước Hồi giáo hoàn toàn là theo Hồi giáo (Islamic). Rất Hồi giáo là khác."
"Đúng là nó thu hút cả bọn tâm thần, những kẻ ưa phiêu lưu, một nhóm đông những người bất mãn ở Trung Đông và châu Âu."
"Nhưng tôn giáo mà các tín đồ IS rao giảng xuất phát từ những diễn giải tổng thể và đầy kiến thức về đạo Islam."
"Mọi quyết định lớn, mọi luật do IS công bố đều hướng tới điều IS gọi là 'phương pháp luận Tiên tri' (Prophetic methodology), theo nghĩa đi đúng với lời Tiên tri Muhammad, về từng chi tiết. "
"Người Hồi giáo có thể bác bỏ IS và gần như tất cả đều làm thế. Nhưng vì giả vờ không nhận ra rằng đây là một tổ chức tôn giáo tận thế, thần quyền, mà Hoa Kỳ đã coi thường IS và ủng hộ cho nhiều mưu kế dốt nát nhằm chống lại IS," Graeme Wood viết.
Tuy thế, nhiều ý kiến khác bác bỏ quan điểm rằng ý thức hệ của IS là Hồi giáo.
Thủ tướng Najib Razak của Malaysia, nước Hồi giáo lớn thứ nhì tại Đông Nam Á, nói hôm 16/11, sau vụ Paris bị tấn công:
"Chúng ta phải hiểu để không chấp nhận làm nạn nhân và đồng ý với ý thức hệ của Isis."
"Islam là tôn giáo hòa bình, ôn hòa, không chấp nhận chuyện giết người vô tội, không chấp nhận tự sát."
Ông Najib trích điển tích Hồi giáo (dòng 32 trong Surah Al-Maidah) về một người đánh nhau với Đấng Tiên tri và bị thương nên muốn tự sát. Nhưng Đấng Tiên tri nói người đó sẽ không lên thiên đàng được nếu tự sát.
Bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói: "Chúng ta không lâm chiến với Hồi giáo mà với những kẻ Thánh chiến."
Dù nhìn nhận IS ra sao từ góc độ tôn giáo, các chính phủ vẫn phải cố gắng làm tất cả để đảm bảo an ninh cho xã hội sau vụ tấn công táo bạo, thảm khốc tại Paris hôm 13/11 vừa qua, nhất là khi IS đang chuyển sang các mục tiêu ngoài Trung Đông.

Image copyrightReuters
Image captionPháp tung ra hơn 100 vụ bố ráp và truy lùng các nhóm Thánh chiến
Image copyrightAP
Image captionGhi lời chia buồn và thắp nến tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội

Không có nhận xét nào: