Pages

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Mỹ bắt đầu điều tra hoạt động phát thanh lén lút của Trung Quốc tại nước này

 Trong ảnh: Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế hai nước Trung Quốc-Mỹ đứng cùng phó chủ tịch hãng Universal Ron Meyer tại Universal Studios Hollywood vào ngày 4 tháng 11 năm 2013 tại Universal City, California (Valerie Macon/Getty Images)
Trong ảnh: Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế hai nước Trung Quốc-Mỹ đứng cùng phó chủ tịch hãng Universal Ron Meyer tại Universal Studios Hollywood vào ngày 4 tháng 11 năm 2013 tại Universal City, California (Valerie Macon/Getty Images)

Sau khi hãng tin Reuters đăng một bài báo dài 5000 từ điều tra về một mạng lưới các đài phát sóng lén lút có liên quan chặt chẽ đến các cơ quan thuộc chính quyền Trung Quốc, các nhà chức trách Mỹ bắt đầu hướng sự chú ý vào các công ty đáng ngờ đang hoạt động trên lãnh thổ của họ.

Một công ty có trụ sở tại California là G&E Studio Inc. đang bị nghi ngờ đã lách các khe hở luật pháp của Mỹ để hoạt động như một lực lượng tuyên truyền hải ngoại cho chính quyền Trung Quốc và giờ đây họ đang là đối tượng của các cuộc điều tra riêng rẽ được tiến hành bởi Uỷ Ban Truyền Thông Liên Bang Mỹ và Bộ Tư Pháp.

Công ty này được điều hành bởi một công dân gốc Thượng Hải được nhập tịch Mỹ, đài phát thanh G&E Studio đang phát sóng trên khoảng hơn 12 thành phố ở Mỹ. Mặc dù không trực tiếp sở hữu bất cứ một đài phát sóng nào tại Mỹ nhưng công ty này thuê lại hai đài phát sóng ở Washington và Philadelphia.

Hai đài phát sóng WCRW và WNWR phát đi những nội dung do công ty G&E sản xuất và cung cấp. Những nội dung này dường như đã được sàng lọc và phê duyệt bởi các nhà kiểm duyệt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong đó bao gồm những lập trường ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Bắc Kinh trong vấn đề bế tắc đang diễn ra giữa Mỹ và lực lượng hải quân Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Theo luật pháp của Mỹ, sẽ là phạm pháp nếu các chính phủ nước ngoài và người đại diện của họ nắm giữ giấy phép phát sóng đài phát thanh đối với các trạm phát sóng của Mỹ hoặc sở hữu hơn 25% quyền sở hữu trực tiếp đối với một đài phát sóng.

Theo báo cáo của Reuters thì một tổ chức có tên là China Radio International – CRI (Tổ chức phát thanh quốc tế của Trung Quốc) sở hữu 60% cổ phần của công ty G&E. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 9 năm nay, James Su cho biết, thông qua các công ty khác nhau ông này thuê và sở hữu hầu hết thời gian phát sóng của nhiều đài phát sóng khác nhau tại Mỹ, những đài này phát đi nội dung cung cấp bởi ông ta hoặc từ CRI.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Su nói ông ta và các công ty kia đã làm đúng theo luật pháp Mỹ bao gồm cả bộ luật đăng ký cho các công ty nước ngoài. Luật này yêu cầu bất cứ ai ở Mỹ muốn gây ảnh hưởng lên chính sách hoặc ý kiến công luận ủng hộ cho những cá thể ở nước ngoài thì phải đăng ký với Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên theo ghi nhận của người dân thì ông Su và các công ty của ông này chưa đăng ký mặc dù bản chất của các chương trình phát sóng của ông này có liên quan đến những điều nêu trên. Khi Reuters tiếp cận với Cục điều tra Liên bang mỹ FBI và các công ty của ông Su vào tháng 10 thì trên cả 2 trang web của công ty này, những thông tin diễn giải mối quan hệ của họ với CRI đã bị xoá.

Các nhà chức trách Mỹ có trách nhiệm giám sát hoạt động truyền thông nước ngoài nói họ không hề biết gì về hoạt động phát thanh dưới sự kiểm soát của Trung Quốc trong nội bộ nước mình cho đến khi Reuters thông báo cho họ.

Mạng lưới toàn cầu thực thi thuyết quyết định tư tưởng của Trung Quốc

Bên cạnh hoạt động phát sóng phát thanh của ông James Su ở Mỹ, các nhà báo của hãng tin Reuters cũng đã điều tra những mạng lưới tương tự ở Châu Âu và Châu Á, họ đã cung cấp tên của hơn 30 trạm phát sóng có liên quan đến tổ chức CRI ở hơn 14 quốc gia, bao gồm Thái Lan, Nepal và Phần Lan. Các trạm phát thanh này phát sóng bằng các ngôn ngữ địa phương cũng như bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Theo một bản báo cáo của Viện Dự án 2049 – là một viện chiến lược đặt tại Washington thì các tổ chức tuyên truyền của Trung Quốc được chỉ đạo và hỗ trợ bởi Tổng cục Chính trị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo chỉ thị từ năm 2003 thì Tổng cục Chính trị của PLA thực hiện “cách tiếp cận dân sự và quân sự trong vấn đề đấu tranh chính trị mà ở đó nó kết hợp các phương tiện: hoạt động tâm lý, ý kiến dư luận hay chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý”, còn được biết đến là Tam chủng Chiến pháp trong văn hoá quân sự của Trung Quốc.

Các cơ quan và tổ chức mặt trận cộng sản của Trung Quốc hoạt động ngoài lãnh thổ và dưới dự kiểm soát của Đảng đã tham gia đóng góp chính yếu vào các chiến lược chiến tranh chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ Thế chiến thứ II khi mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang sa lầy vào cuộc giao tranh bạo lực với Đảng Quốc Dân đang cầm quyền lúc đó. Sau khi Đảng Quốc Dân lui về Đài Loan vào năm 1949 thì các cơ quan và tổ chức Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục với hoạt động lừa dối dư luận của họ và chỉ định các thành viên chủ chốt cho tổ chức của mình.

Cơ quan tuyên truyền đối ngoại giờ đây đang được giao nhiệm vụ đưa ra mưu lược cho các hoạt động truyền thông và tuyên truyền dư luận đảng Cộng sản ở hải ngoại cũng như tham vấn các câu trả lời cho Tổng cục Chính trị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Theo báo cáo của Viện 2049 thì mục đích của hoạt động tuyên truyền hướng đến thính giả ở hải ngoại là để thay đổi “cách nhìn nhận một chiều của phương Tây về các phương tiện truyền thông quốc tế” nhưng trên thực tế mục đích của nó lại là để “cổ suý cho sự chia rẽ về tư tưởng ở các cộng đồng người nước ngoài mà về bản chất được xem như là đối nghịch”. Họ thực hiện điều này thông qua việc nhắm đến “không chỉ các cơ sở quốc phòng mà còn là các tổ chức ngoại giao dân sự, văn hoá, tôn giáo và doanh nghiệp”.

Tác giả: Leo Timm, Epoch Times | Dịch giả: Jessica

(Việt Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: