Pages

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Mỹ sẽ cấp visa cho con nuôi từ Việt Nam vào cuối năm nay

Việt Hà, phóng viên RFA

12.10-BT-tiep-Hoa-Ky-5-622.jpg

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường tiếp Đại sứ Susan Jacobs tại Hà Nội hôm 12/10/2015.
Courtesy moj.gov.vn




Vào trung tuần tháng 10, đại sứ Susan Jacobs, chuyên về chương trình giao nhận con nuôi của chính phủ Hoa Kỳ đã tới thăm Việt Nam để đánh giá tình hình thực hiện công ước Hague về con nuôi và thỏa thuận giao nhận con nuôi mà hai nước mới nối lại kể từ tháng 9 năm ngoái. Sau khi trở về Mỹ, Đại sứ Susan Jacobs dành cho Việt Hà đài ACTD cuộc phỏng vấn về chuyến đi của bà đến Việt Nam và những hy vọng đối với hoạt động giao nhận con nuôi giữa hai nước.

Hài lòng với những tiến bộ đã đạt được

Việt Hà: Thưa bà Đại sứ, trước hết xin bà cho biết đánh giá của bà về việc thực hiện thỏa thuận giao nhận con nuôi giữa hai nước trong thời gian qua?
Đây là một tin lớn vì đã một thời gian dài kể từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động cho nhận con nuôi với Việt Nam, chúng tôi rất hài lòng với những tiến bộ đã đạt được trong chương trình này.
-Đại sứ Susan Jacobs
Susan Jacobs: Sau khi Việt Nam gia nhập công ước Hague, chúng tôi muốn mọi việc đi từ từ để đảm bảo là việc thực hiện đúng. Vì thế chúng tôi đồng ý với phía Việt Nam là hai bên sẽ thực hiện chương trình có giới hạn và chương trình đó chỉ tập trung vào những trẻ lớn tuổi, trẻ trong nhóm có anh chị em và trẻ khuyết tật, phía Việt Nam đã đồng ý và sau đó cho phép một số cơ sở nhận con nuôi của Mỹ được hoạt động. Họ nhận khoảng 8 đến 10 đơn đề nghị được hoạt động tại Việt Nam và họ cho 3 cơ sở được phép hoạt động. Hiện tại những cơ quan này đã nhận được những danh sách con nuôi đầu tiên và chúng tôi hy vọng sẽ cấp visa cho trẻ đầu tiên vào trước cuối năm nay. Chúng tôi rất mừng vì điều này và đây là một tin lớn vì đã một thời gian dài kể từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động cho nhận con nuôi với Việt Nam, chúng tôi rất hài lòng với những tiến bộ đã đạt được trong chương trình này.
Việt Hà: Có tổng cộng bao nhiêu hồ sơ đang được xem xét trong đợt này và bao giờ thì các hồ sơ tiếp theo sẽ được cấp visa, thưa bà?
Susan Jacobs: Tổng số có 12 hồ sơ, hồ sơ đầu sẽ được cấp visa trước và sau đó là 11 hồ sơ tiếp theo ngay sau khi mọi thứ sẵn sang. Không phải là chúng tôi làm một hồ sơ rồi dừng lại để đánh giá. Chúng tôi đánh giá toàn bộ quá trình và khi chúng tôi thảo luận với các cơ sở cung cấp dịch vụ nhận con nuôi thì họ nói là họ rất hài lòng với toàn bộ quá trình.
Việt Hà: Trong chuyến thăm lần này tới Việt Nam, bà và phía Việt Nam đã trao đổi cụ thể vấn đề gì và đâu là khó khăn lớn nhất cần được giải quyết vào lúc này?
Susan Jacobs: Chúng tôi muốn biết được quan điểm từ phía Việt Nam, họ muốn sắp tới tiến trình như thế nào. Họ dường như rất hài lòng với quá trình đang diễn ra. Tuy nhiên có một vấn đề chưa được giải quyết là các cơ sở nuôi giữ trẻ làm sao có thể nhận được các trợ giúp, vì theo quy định mới, các khoản trợ giúp phải đến từ phía Hà Nội. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo điều này được thực hiện và nếu như họ không có đủ nguồn tài trợ thì họ phải quyết định xem liệu có tăng chi phí cho dịch vụ giao nhận con nuôi xuyên quốc gia không, để giúp chi trả cho việc nuôi dưỡng những trẻ trong các cơ sở nuôi giữ trẻ, tức là bù đắp vào khoản thiếu hụt từ ngân sách chính phủ chi cho các cơ sở này… Đó là vấn đề chính, chúng tôi chỉ lo lắng để tránh không phải nằm trong tình trạng khi mà mọi thủ tục nhận con nuôi đã gần kết thúc, bố mẹ nuôi đã trả chi phí xong rồi mà lại bị yêu cầu phải trả thêm tiền đóng góp. Chúng tôi muốn mọi cái phải công khai và rõ ràng. Nếu các cơ sở nuôi giữ trẻ không có đủ tiền từ chính phủ thì rất có thể phải yêu cầu thêm chi phí để chi trả cho những thiếu hụt đó.

photo-305.jpg
Một gia đình Mỹ xin con nuôi VN. Từ trái qua: ông John Cullather, bé gái Claire Xuan Cullather, bé trai Peter Quang Cullather, bà Kathleen Brown trong một kỳ nghỉ ở Camden, Maine năm 2008.
Việt Hà: Phía Việt Nam có những yêu cầu gì đối với phía Mỹ khi thực hiện chương trình này không thưa bà?
Susan Jacobs: Họ chỉ yêu cầu phía Mỹ tiếp tục hợp tác với họ. tôi nghĩ là chúng tôi có quan hệ rất tốt với cơ quan giao nhận con nuôi của Việt Nam. Người đứng đầu cơ quan này là người nắm bắt được vấn đề. Mục tiêu của chúng tôi là có được một mối quan hệ hiệu quả với phía Việt Nam vì chương trình này rất quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi muốn chương trình được thực hiện tốt. Vì thế chúng tôi muốn có thể dễ tiếp cận để có thể trả lời những câu hỏi của họ bao gồm các vấn đề liên quan đến đào tạo nếu họ muốn và giữ các đối thoại liên tục giữa hai bên.

Cần sự minh bạch

Việt Hà: Trong một lần tới thăm Việt Nam trước đây, bà có nói rằng bà hy vọng phía Việt Nam sẽ tiến hành những đổi mới và có những chương trình đào tạo cho nhân viên để thực hiện chương trình. Bà đánh giá thế nào về những hoạt động này từ phía Việt Nam hiện nay?
Susan Jacobs: Dưới thời ông Bình là người đứng đầu chương trình ở phía Việt Nam, phía Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình đào tạo. Theo tôi giờ họ hiểu hơn về ý nghĩa của việc giao nhận con nuôi và tôi biết là họ vẫn đang thực hiện các chương trình đào tạo. Tôi biết là họ đã đạt được nhiều bước tiến. Tôi hy vọng là sau khi trường hợp đầu tiên được hoàn tất, chúng tôi sẽ hiểu hơn về quá trình giao nhận con nuôi ở Việt Nam như thế nào và nếu chúng tôi đánh giá là nó tốt và bền vững thì chúng tôi sẽ tiếp tục gia hạn chương trình.
Việt HàBà có cơ hội đi thăm các cơ sở nuôi giữ trẻ trong chuyến thăm lần này không và bà đánh giá thế nào về việc chăm sóc trẻ ở đó?
Chúng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ có một chương trình toàn bộ đối với Việt Nam, tức là những trẻ em ở Việt Nam muốn tìm bố mẹ nuôi có thể được tiếp nhận dù đó là trẻ 10 tuổi hay trẻ sơ sinh.
-Đại sứ Susan Jacobs
Susan Jacobs: Tôi không có cơ hội đi thăm các cơ sở nuôi giữ trẻ lần này nhưng tôi đã thăm một số cơ sở trước kia ở Đà Nẵng và tôi thấy là trẻ ở những cơ sở này được chăm sóc tốt. Tôi nghĩ là những người làm công tác chăm sóc trẻ đã làm việc rất tốt trong tình trạng còn hạn chế về nguồn hỗ trợ.
Việt Hà: Bà có nói là nếu phía Mỹ đánh giá là chương trình được thực hiện tốt và bền vững thì sẽ gia hạn chương trình, vậy điều kiện cụ thể đối với Việt Nam là gì và liệu sắp tới Hoa Kỳ có mở rộng diện trẻ được nhận làm con nuôi không?
Susan Jacobs: Tôi không thể nói là anh phải làm thế này thì chúng tôi sẽ làm thế kia. Chúng tôi phải nhìn vào toàn bộ quá trình, phải nói chuyện với các cơ sở cung cấp dịch vụ giao nhận con nuôi, phân tích những gì cung cấp, nói chuyện với đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh để xem chương trình có minh bạch không, và chi phí là công khai, không ai làm giàu từ việc tính các chi phí này, thì chúng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ có một chương trình toàn bộ đối với Việt Nam, tức là những trẻ em ở Việt Nam muốn tìm bố mẹ nuôi có thể được tiếp nhận dù đó là trẻ 10 tuổi hay trẻ sơ sinh. Vấn đề là sự lâu dài đối với trẻ và với việc nhận con nuôi xuyên quốc gia, chúng tôi muốn đây là một lựa chọn cho trẻ muốn tìm kiếm sự tiếp nhận lâu dài… Nếu chúng tôi mở rộng chương trình, chúng tôi muốn mở rộng với trẻ từ sơ sinh đến 14 tuổi, trẻ cần chăm sóc đặc biệt, nhóm trẻ có anh chị em, bất cứ trẻ nào cần bố mẹ lâu dài. Chúng tôi hy vọng là chương trình của chúng tôi ở Việt Nam trong tương lai sẽ là toàn bộ.
Việt HàXin cảm ơn bà Đại sứ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn
.

Không có nhận xét nào: