Pages

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

'Nhân tài Đà Nẵng' thua kiện vụ du học

Image copyrightReuters
Image captionThành phố Đà Nẵng
Chín học viên đã thua kiện trong vụ Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD) kiện vì họ không quay trở lại Đà Nẵng sau khi đi học ở nước ngoài bằng tiền hỗ trợ của trung tâm.
Báo Vnexpress trong nước cho biết bảy người đã kháng cáo để xin giảm án phí.
Trước đó ngày 1/10, Trung tâm CPHUD quyết định khởi kiện hàng loạt học viên trong đề án 922 sau khi họ hoàn thành các khóa đào tạo trong và ngoài nước nhưng không quay về thành phố làm việc như hợp đồng cam kết.

Cũng theo hợp đồng của đề án này, người vi phạm phải bồi thường gấp năm lần chi phí đào tạo.
Vào tháng 3/2014, Đà Nẵng công bố số tiền để đưa hàng loạt sinh viên đi học đại học, sau đại học trong nước và nước ngoài trong đề án 922 và đề án 392 đến con số 600 tỷ đồng. Số tiền này đều lấy từ ngân sách nhà nước – tức là các học viên sử dụng tiền thuế của dân để đi học.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ TP.HCM, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng đại học Hoa Sen phân tích vai trò của các chương trình phát triển nhân lực tài trợ học bổng để đưa người đi học nước ngoài.
“Giữa đơn vị tài trợ học bổng và người thụ hưởng học bổng là một mối quan hệ hai chiều. Dự án thành công hay thất bại là nhờ/do cả đôi bên. Nó thành công khi đơn vị cho học bổng họ hiểu rõ đối tượng mà họ tài trợ, và họ cũng phải có mục đích công bằng, hợp lý.”
“Ví dụ đơn vị tài trợ là chính phủ, nhà trường. Họ muốn có nhiều sinh viên ra nước ngoài để có trải nghiệm quốc tế. Họ đưa ra một tài trợ vì mục tiêu này. Tất nhiên họ đều mong muốn sinh viên này quay về để đem trải nghiệm quốc tế này chia sẻ cho số đông hương. Đơn vị tài trợ lúc nào cũng muốn người thụ hưởng sẽ phát huy tác dụng của người đó sau khi hưởng được lợi ích đào tạo.
"Nếu người đi học cũng chia sẻ phần nào mục đích đó, cũng biết tôi đi đào tạo bằng tiền của xã hội thì tôi có một nghĩa vụ với xã hội, tổ chức đó, với mục tiêu của tài trợ đó. Nếu đôi bên đều là người hiểu biết vậy thì không có vấn đề gì,” bà Phượng nói.
Image copyrightGetty
Image captionĐà Nẵng muốn xây dựng các nhân sự trẻ được đào tạo chất lượng cao
Bà Phượng cũng lấy ví dụ về một số khả năng “gãy đổ” mối quan hệ này, dẫn đến việc nơi tài trợ mất tiền, còn người học không quay về làm việc: “Phần lớn tài trợ gãy đổ vì nó nhìn ngắn hạn quá. Người tài trợ nhìn ngắn hạn mà người thụ hưởng cũng nhìn ngắn hạn.”
“Ví dụ, khi chính phủ Việt Nam muốn 20.000 tiến sĩ trong thời gian ngắn thì rất có ít sức thuyết phục. Nguồn đâu để tuyển người xứng đáng đào tạo có chất lượng về có thể phát huy tác dụng cho giáo dục, cho xã hội, cho cộng đồng. Khi dùng tiền của nhà nước là phải nghĩ tới mục tiêu như thế. Đâu phải chỉ có nghĩ tới mục tiêu là chỉ bản thân người thụ hưởng được ích lợi mà thôi đâu.
Khi hỏi về mong muốn của người học muốn được đi nước ngoài đào tạo cao hơn, bà Phượng trả lời:
"Người đi học cũng thượng vàng hạ cám lắm. Cho nên tôi mới nói nếu tuyển chọn phải tuyển cả trên tiêu chí năng lực và động cơ, mục đích. Tuyển chọn trên động cơ thì khó hơn. Thường nước giàu tài trợ học bổng cho người xuất sắc, vì họ quan niệm người xuất sắc thì xứng đáng được đào tạo.
"Còn sau đó người xuất sắc về làm việc cho ai họ cũng không quan tâm lắm. Còn nước nghèo như chúng ta tài trợ thì thường mục đích là đào tạo nhân lực cho đất nước. Nhưng với mục đích đó thì ta phải tuyển chọn cả trên năng lực và động cơ.
Đà Nẵng có nhiều đề án như 393 - "đào tạo 100 thạc sỹ, tiến sỹ tại các cơ sở nước ngoài".
Đề án 922 ra đời sau, với mục đích "phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" - học viên được tài trợ 100% kinh phí để học tiến sỹ, thạc sỹ trong và ngoài nước.

Không có nhận xét nào: