Pages

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Tàu Lassen tuần tra Trường Sa: Mỹ bị nghi mềm yếu trước Trung Quốc

mediaTuần dương hạm USS Lassen của hải quân Mỹ vừa thực hiện chuyến tuần tra ở Biển Đông.REUTERS/US Navy
Khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi mà Trung Quốc vừa bồi lên tại Trường Sa, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã cố tránh những hành động có khả năng gây căng thẳng với Bắc Kinh, kể cả những hoạt động diễn tập quân sự. Một quan chức cao cấp Mỹ xin giấu tên đã cho biết như trên hôm 06/11/2015, qua đó xác nhận phần nào các thông tin đã báo chí tiết lộ.





Theo hãng tin Reuters, quan chức Mỹ xin giấu tên đã giải thích : « Chúng tôi muốn khẳng định quyền của mình theo luật pháp quốc tế, nhưng không đến mức ‘chọc vào mắt’ Trung Quốc, hoặc vào chỗ nào đó có thể làm cho tình hình leo thang một cách không cần thiết ».
Nhân vật này nói cụ thể là tàu khu trục Lassen đã tắt hệ thống radar điều khiển hỏa lực khi di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào trong thời gian đó, bao gồm cả việc cho trực thăng lên xuống hay tập huấn quân sự.
Theo nhiều chuyên gia, cách làm quá thận trọng kể trên có thể bị cho là mặc nhiên công nhận các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa, điều mà Hoa Kỳ muốn phủ nhận qua việc cử tàu Lassen đến tuần tra trong khu vực.
Quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn đã bác bỏ lập luận trên khi khẳng định rằng điều mà khu trục hạm Lassen vừa thực hiện là một hải vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà mục tiêu không hề là làm cho tình hình nổ to.
Riêng Hạm trưởng Khu trục hạm Lassen Robert C. Francis Jr, hôm 05/11 đã cho báo giới biết là chiếc tàu của ông đã di chuyển ở khu vực cách Đá Xu Bi từ 6 đến 7 hải lý, trong một hoạt động vừa là tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, vừa là « quá cảnh ».
Đối với các chuyên gia phân tích, nếu chiếc Lassen không tiến hành các hoạt động quân sự hay thu thập thông tin tình báo khi ở bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Trung Quốc, thì chẳng khác gì việc họ theo đúng thủ tục gọi là « đi qua vô hại » (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm tiến vào lãnh hải của một nước.
Hành động như vậy của chiến hạm Mỹ sẽ củng cố thay vì thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng các đảo nhân tạo của họ có lãnh hải 12 hải lý.
Trên trang blog Lawfare, Julian Ku, giáo sư về luật Hiến pháp tại Đại học Hofstra, đã cho rằng sở dĩ Hải quân Mỹ đã chọn hình thức tuần tra yếu nhất, đó là vì theo yêu cầu của Nhà Trắng.
Theo chuyên gia này, đây là một việc làm tai hại : « Khi hạn chế hoạt động của tàu USS Lassen ở mức ‘đi qua vô hại’, Mỹ đã mặc nhiên công nhận rằng Trung Quốc được quyền quy định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo là Xu Bi ».

Không có nhận xét nào: