Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Thái tử đảng cộng sản của Việt Nam có làm nên chuyện?

H1


Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang chuẩn bị một danh sách lãnh đạo mới để thay thế đội ngũ cũ sẽ về hưu sau Đại hội toàn quốc lần thứ 12 vào năm 2016. Sự chú ý của công luận đang bị thu hút bởi sự nổi lên của các ‘thái tử đảng’ trẻ tuổi – là con cháu của những nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây trong chế độ độc tài cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc – vào các chức vụ lãnh đạo cơ sở ở địa phương.

Khả năng của các thái tử đảng để đảm nhiệm một loạt các vấn đề quản trị rộng lớn, không chỉ giới hạn trong vấn đề tăng trưởng kinh tế, sẽ xác định sự bền vững của chế độ hiện nay.



Nổi bật nhất trong số các thái tử đảng đang lên là ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nghị đã được bầu làm bí thư tỉnh nhà của gia đình ông ở Kiên Giang. Tin đồn trên mạng cho rằng Thủ tướng Dũng, một nhà cải cách và chính trị gia quyền lực nhất trong chế độ Việt Nam hiện nay, có khả năng trở thành tổng bí thư ĐCSVN vào năm 2016. Một thái tử đảng đáng chú ý khác là Nguyễn Xuân Anh, con trai của cựu thành viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ĐCSVN, Nguyễn Văn Chi, người đã được chọn làm Bí thư Đà Nẵng – thành phố ven biển phát triển nhanh nhất ở miền Trung Việt Nam.

Cả hai ông, Nghị và Anh, đều 39 tuổi và dự kiến sẽ trở thành ủy viên chính thức trung ương đảng cộng sản tại Đại hội lần thứ 12. Hai ông là những người nổi tiếng nhất trong danh sách dài các thái tử đảng đã được xếp vào hàng lãnh đạo ĐCSVN và hy vọng sẽ nắm giữ các chức vụ then chốt tại các cấp địa phương và toàn quốc.

Dưới sự cai trị của đảng cộng sản, sự khôn ngoan thông thường trong chính trị Việt Nam là vấn đề thăng tiến dựa trên hiệu suất phải nhường chỗ cho gia thế, bảo trợ và hối lộ. Đây là do ảnh hưởng của những quy định không chính thức (được tạo ra từ thời kỳ cách mạng do Hồ Chí Minh, người sáng lập ĐCSVN, lãnh đạo) cho rằng ưu tiên nên dành cho con cháu của giới tinh hoa của đảng. Sự khôn ngoan thông thường này được đảng củng cố hơn nữa để trở thành một sự thật hiển nhiên trong thời kỳ đổi mới. Đảng CSVN chính thức hóa lề thói này, thông qua các thủ tục đề cử và bầu cử không cạnh tranh do đảng kiểm soát.

Một điểm nổi bật của con cháu các nhà lãnh đạo Việt Nam là, so sánh với cha mẹ của họ, họ có trình độ học vấn cao hơn. Hầu hết được đào tạo tại các nước phát triển có nền kinh tế thị trường tự do, với các giá trị dân chủ và tự do phổ quát, cũng như một xã hội dân sự không bị nhà nước kiểm soát. Điển hình là họ có tư duy thực dụng, cải cách và kinh doanh hơn, cũng như thái độ thiên phương Tây hơn.

Chẳng hạn như, ông Nghị có bằng tiến sĩ về kỹ thuật công chánh từ một trường đại học của Mỹ và hiện đang đứng đầu kế hoạch phát triển đảo Phú Quốc, một huyện của tỉnh Kiên Giang, để trở thành một Đặc khu Hành chính Kinh tế. Một khi được phê duyệt, kế hoạch này sẽ biến hòn đảo ngoài khơi thành một trung tâm giải trí và tài chính khu vực, như Singapore, Phuket hay Bali. Một thái tử đảng du học phương Tây khác, ông Anh, thật kinh ngạc, đã đề xuất mại dâm du lịch cho Đà Nẵng trước khi được đề cử làm bí thư thành phố, là điều bị chính quyền cộng sản cấm. Ông cũng đặt ra mục tiêu thu hút các dự án đầu tư hàng tỷ đô la cho thành phố trong nhiệm kỳ của ông.

Bằng cách chọn ra các thái tử đảng được đào tạo kỹ lưỡng và có đầu óc kinh doanh như ông Nghị và ông Anh, và bỏ qua những lời chỉ trích của công chúng về các vụ tiến cử này, ĐCSVN đã chỉ ra rằng họ ủy thác cho con cháu của giới lãnh đạo nhiệm vụ tự do hóa kinh tế. Cùng lúc, sự ủy thác chỉ ra rằng ĐCSVN tin các thái tử đảng sẽ tiếp tục theo bước cha ông duy trì hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và hệ thống độc đảng của Việt Nam.

Rất có khả năng các thái tử đảng sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa kinh tế, [là điều] đã dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế cao liên tục của Việt Nam trong ba thập niên qua. Mức tăng trưởng kinh tế cao đã cho phép ĐCSVN lấy lại lòng tin của người dân và gia tăng tính hợp pháp trong thời kỳ hậu xã hội chủ nghĩa. Điều này rất quan trọng vì sự tin tưởng vào đảng đã giảm đáng kể do cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của thập niên 1980.

Sự thành công của ĐCSVN chứng tỏ rằng, hiệu suất kinh tế có thể là một cơ sở vững chắc cho sự vững bền và tính hợp pháp của các chế độ độc tài. Như Samuel Huntington nhấn mạnh, chế độ chuyên chế cần phải đạt được tăng trưởng kinh tế cao và cải thiện mức sống của người dân để được hưởng tính hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ với hiệu suất kinh tế tốt là chưa đủ, và các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng mối liên hệ giữa hiệu suất kinh tế và sự tồn vong của chế độ không luôn luôn gắn kết. Hiệu suất của một chế độ không chỉ giới hạn trong sự tăng trưởng kinh tế cao, nhưng phải được phụ trợ bởi các yếu tố khác như cải cách thể chế và quản trị hiệu quả để đáp ứng các đòi hỏi của công chúng. Do đó, quản trị kém sẽ gây rủi ro cho sự ổn định chế độ.

Một báo cáo của chính phủ trình Quốc hội hiện tại, cơ chế làm luật của Việt Nam, đã liệt kê 9 điểm yếu và hạn chế về hoạt động của chính phủ trong 5 năm qua. Chúng bao gồm nền kinh tế vĩ mô không ổn định, mức chi tiêu công quỹ cao gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài tăng nhanh, khoảng cách giàu – nghèo lớn, tham nhũng tràn lan trong khu vực công và các khiếu nại không ngừng của công dân liên quan đến việc thu mua đất đai. Kinh nghiệm của khu vực Âu – Á hậu cộng sản, và sự bất ổn chính trị gần đây ở Trung Đông, chứng tỏ đây là những yếu tố có thể làm cho chế độ độc tài trở nên mong manh.

Những vấn đề này trong xã hội Việt Nam có nghĩa là “thay đổi thể chế”, một thuật ngữ nhẹ nhàng được ĐCSVN sử dụng để ám chỉ cải cách chính trị, cần thiết để theo kịp sự tự do hóa kinh tế và hội nhập đang ăn sâu của đất nước. Sự bền vững của chế độ độc tài đảng cộng sản không còn phụ thuộc vào gia thế, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhưng còn vào hiệu suất của chế độ trong một loạt các vấn đề quản trị nhà nước. Chế độ do các thái tử đảng lãnh đạo sẽ điều hành giỏi thế nào vẫn còn phải chờ xem sau Đại hội lần thứ 12.

East Asia Forum

Tác giả: Hai Hong Nguyen, ĐH Queensland

Dịch giả: Trần Văn Minh

Nguyễn Hồng Hải là một nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương về Trách nhiệm Bảo vệ, Khoa Chính trị học và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Queensland.

(Basàm)

Không có nhận xét nào: