Từ bắc vào Nam, từ già đến trẻ, người dân Việt Nam đang gởi một thông điệp mạnh mẽ để cùng nhau phản đối Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đến Việt Nam.
Vào lúc 19 giờ tối ngày 31 tháng 10 năm 2015, ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn đã diễn ra buổi gặp mặt giữa các cựu tù nhân lương tâm (TNLT) như Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Anh Tú, Lê Văn Sơn, Thái Văn Dung, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Thanh, Chu Mạnh Sơn... cùng các cha Đinh Hữu Thoại, Lê Ngọc Thanh, Paul Lộc, và nhiều anh chị em hoạt động nhân quyền.
Trong buổi gặp mặt, mọi người đã cùng nhau mặc những chiếc áo với thông điệp phản đối Tập Cận Bình như: "Xi Jinping Go Away", "Tập Cận Bình Hãy Cút Xéo", và chụp hình để chuyển tải lên mạng xã hội nhằm lan rộng thông điệp trên.
Cựu TNLT Trần Minh Nhật có mặt tại buổi gặp mặt bày tỏ quan điểm: “Trung Cộng đang tham vọng bá chủ thế giới và âm mưu thôn tính Việt Nam trong nay mai. Cụ thể, trong thời gian qua, Trung Cộng đang dần chiếm biển đảo bằng việc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, cải tạo đảo nhân tạo. Vì vậy, tôi nghĩ chuyến đi của Tập Cận Bình đến Việt Nam nhằm đạt được mục đích đó. Với quan điểm cá nhân, tôi muốn Việt Nam hoàn toàn độc lập và không muốn quốc gia nào kìm hãm sự phát triển, mà cụ thể là Trung Cộng. Vì vậy, tôi không hoan nghênh Tập Cận Bình đến Việt Nam.”
Trong khi đó, ở khắp nơi trên mạng, các thông điệp "No Xi" phản đối Tập Cận Bình được nhiều người dân phổ biến rộng rãi. Cư dân mạng đã đăng tải những hình ảnh của mình để nói lên nguyện vọng không muốn nhìn thấy Tập Cận Bình được tiếp đón tại Việt Nam.
Xen kẽ trong thông điệp No Xi còn có những thông điệp như: "Vì một Việt Nam không lệ thuộc Trung Quốc", "Chúng tôi không rước giặc vào nhà" "Không tiếp kẻ chiếm biển đảo Việt Nam Tập Cận Bình"... nói lên sự phẫn uất của người dân đối với những hành động ngang ngược và bá quyền của Trung Cộng trên lãnh hải Việt Nam.
Một tuyên bố được các tổ chức xã hội dân sự khởi xướng trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt ngay những hành động đe dọa tính mạng, tài sản và quyền tự do đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của họ, cụ thể là ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."
Tuyên bố đồng thời cũng "cực lực phản đối việc Nhà nước và Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và đang bồi đắp chúng thành những cứ điểm quân sự ngăn chặn tự do hàng hải trên Biển Đông."
Được biết, Chủ tịch Trung Cộng sẽ đến Việt Nam vào ngày 5 và 6 tháng 11 tới đây.
Ân Thiên / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét