Pages

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Vì sao 662 doanh nghiệp nhà nước không báo cáo tài chính?

Vì sao cả nước có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà báo cáo về công nợ do Bộ Tài chính công bố chỉ đề cập vỏn vẹn 119 doanh nghiệp trong số đó?

Trụ sở Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Báo cáo mang tên “Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước” do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Quốc hội là một tài liệu quan trọng.

Một mặt, văn bản này là để thực hiện một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, và Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Mặt khác, văn bản này được coi như một cơ sở giúp Quốc hội thực thi chức năng giám sát đối với nguồn lực khổng lồ đang được khu vực kinh tế này nắm giữ. Đây là điều phải làm, và làm cho nghiêm túc ở tầm vĩ mô.

Tuy nhiên, báo cáo - sau khi cho biết rất nhiều số liệu về tài sản, nợ, vốn, tình hình kinh doanh,... của nhiều DNNN – thừa nhận một thực tế đáng phải suy nghĩ: “Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định; do đó việc tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi cả nước còn nhiều khó khăn.”

Thừa nhận này, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi trong báo cáo, cho thấy tình trạng đáng lo ngại: những DNNN không nộp báo cáo chẳng coi trọng cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước khác; và mặt khác, chính các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước liên quan đang lơ là chức năng nhà nước của mình.

Nhận định trên là có cơ sở: việc báo cáo lẽ ra phải được thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ để phục vụ giải trình của Chính phủ với Quốc hội.

Từ đây có hàng loạt câu hỏi: vì sao các DNNN đó không báo cáo? Họ đã làm ăn thua lỗ nên giấu nợ? Họ không chịu trách nhiệm với số vốn được giao quản lý?

Còn các cơ quan nhà nước liên quan vì sao không có biện pháp gì khi không nhận được báo cáo? Họ vô trách nhiệm, hay có thông đồng với doanh nghiệp?

Chính vì sự không nghiêm túc đó làm nảy sinh nhiều lo ngại xung quanh hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.

Chẳng hạn, theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, báo cáo chỉ nêu thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 119 doanh nghiệp trong số đó.

Thực trạng của 119 doanh nghiệp này như sau: tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn, nhưng mới chỉ thống kê được mỗi 119 doanh nghiệp trong tổng số 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Vậy, những con số nợ phải thu, nợ phải trả, tồn kho, và nhiều số liệu tài chính khác của 662 doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu?

Đó là chưa kể những số liệu còn thiếu và yếu trong các khu vực doanh nghiệp cổ phần, hay doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc các địa phương trong báo cáo.

Vì sao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “chưa thực hiện chế độ báo cáo” mà không ai bị khiển trách? Ai là người giám sát? Ai là người chịu trách nhiệm chính với đồng vốn mà trên nguyên tắc là của nhân dân?

Kỷ luật, kỷ cương của khu vực này cần phải siết chặt lại. Không thể kéo dài mãi tình trạng “lời ăn, lỗ dân chịu” của khu vực kinh tế này mà có chuyên gia nhận định.

Đã từng có hàng chục đoàn kiểm tra Vinashin, mà không phát hiện ra vấn đề để đến khi tập đoàn này bục ra thì tất cả mới té ngửa.

Việc giám sát các DNNN này không thể không rút ra bài học từ đó. Hơn ai hết, Quốc hội cần thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình.


Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào: