Pages

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Việt Nam đổ nợ vì metro

SÀI GÒN (NV) - Cuối tuần trước, Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị của thành phố Sài Gòn có công văn khẩn báo, chi phí xây dựng các tuyến metro 1, 2, 5 đã tăng thêm ba tỷ Mỹ kim!

                                    Cảnh ghép dầm tại tuyến metro số 1. (Hình: Infonet)

Lý do chi phí xây dựng tăng vọt như vừa kể được xác định là vì: Thiếu kinh nghiệm nên việc lập dự toán không chính xác. Thực hiện chậm nên các dự án bị tác động bởi lạm phát. Đáng nói là cả ba tuyến metro vừa kể đều đã khởi công, không thể ngưng, còn nếu tiếp tục thực hiện thì chưa rõ sẽ tìm từ đâu ba tỷ Mỹ kim.

Chính phủ Việt Nam vừa xin Quốc Hội phát hành lượng trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên thị trường quốc tế để trả các khoản nợ đã đến hạn mà không có khả năng thanh toán!

Cần nhắc lại rằng, theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải, chính quyền Việt Nam có kế hoạch xây tới tám tuyến metro tại Sài Gòn (Tuyến số 1 dài 20 cây số, từ Bến Thành đến Suối Tiên. Tuyến số 2 dài khoảng 48 cây số từ Thủ Thiêm đến Củ Chi. Tuyến số 3a dài khoảng 20 cây số từ Bến Thành đến Bình Chánh. Tuyến số 3b dài khoảng 12 cây số từ ngã 6 Cộng Hòa đến ngã tư Bình Phước. Tuyến số 4 dài khoảng 36 cây số từ quận 12 đến quận 7. Tuyến số 4b dài khoảng 5 cây số từ Gò Vấp đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tuyến số 5 dài khoảng 26 cây số từ Bình Chánh đến Bình Thạnh. Tuyến số 6 dài khoảng 6 cây số, từ Tân Bình đến quận 6). Thành ra chi phí tăng thêm có thể lên tới hàng chục tỷ Mỹ kim.

Năm 2007, chi phí thực hiện tuyến metro số 1 dự trù là 17,300 tỷ đồng. Đến năm 2011, chi phí thực hiện tuyến metro này được tính lại là khoảng 47,300 tỷ đổng. Tăng 30,000 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2010, chi phí thực hiện giai đoạn 1 của tuyến metro số 2 dự trù là 26,100 tỷ đồng. Đến năm 2015, chi phí thực hiện tuyến metro này được tính lại là khoảng 40,000 tỷ đổng. Tăng thêm khoảng 14,000 tỷ đồng.

Giống hệt như vậy, năm 2011, chi phí thực hiện giai đoạn 1 của tuyến metro số 5 dự trù là 833 triệu Euro. Đến năm 2015, chi phí thực hiện tuyến metro này được tính lại là khoảng 1.5 tỷ Euro. Tăng thêm khoảng 700 triệu Euro.

Cũng tuần trước, báo chí Việt Nam loan báo, chi phí xây dựng tuyến metro số 2 tại Hà Nội đã được tính lại và tăng từ 19,555 tỷ đồng thành 51,700 tỷ đồng. Tương tự, chi phí xây dựng tuyến metro số 3 tại Hà Nội cũng đã tăng từ 783 triệu Euro thành 1,176 triệu Euro. Người ta tin rằng, dẫu mỗi cây số metro đã tăng thêm 3,000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu nhưng mức tăng sẽ còn hơn thế nữa!

Các dự án metro ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội đều giống nhau ở chỗ: Chậm trễ, vốn đầu tư tăng thêm ở mức hàng tỷ Mỹ kim và khiến nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.

Hồi Tháng Mười năm ngoái, ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam từng thú nhận, sở dĩ có tình trạng vừa kể là vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án metro và chưa có nhân sự đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo.

Lúc đó, ông Trần Đức Toàn, vụ phó vụ kết cấu hạ tầng và Đô thị của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, cũng bảo rằng, hiểu biết của Việt Nam về metro rất kém, việc lập các dự án, giám sát, thi công,... đều dựa vào quốc gia cho vay tiền thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia không tán thành những ý kiến đó. Ông Phan Văn Trường, một kỹ sư từng là phó chủ tịch Alsthom Transports của Pháp, cho biết, khi thực hiện các dự án metro, người ta có rất nhiều lý do để điều chỉnh tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Lý do khiến vốn đầu tư các dự án metro tăng vọt còn nằm ở chỗ thay đổi công nghệ. Nếu chủ đầu tư không “cứng” thì vốn đầu tư dễ tăng lên nhiều lần.

Cũng vì vậy, ông Trường khuyến cáo, Việt Nam không thể nhún nhường và để phụ thuộc hoàn toàn vào phía cho vay vốn thực hiện các dự án metro. Phía cho vay đã hưởng lợi qua việc doanh nghiệp của họ được ưu tiên thực hiện toàn bộ dự án. Thành ra, Việt Nam phải có sự ràng buộc chặt chẽ cả về chuyển giao công nghệ, lẫn giá cả.

Theo ông Trường, nếu chủ đầu tư có hiểu biết và có bản lĩnh thì tổng vốn đầu tư của một dự án metro không bao giờ tăng quá 10% một năm. Ông Trường nhấn mạnh, nếu dự án tăng quá 10% mỗi năm thì điều đó đồng nghĩa với việc “chủ đầu tư quá dễ dãi và chắc chắn có tham nhũng.”

Tổng vốn đầu tư của các dự án metro tại Việt Nam không chỉ tăng hơn 10% mà thường là tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi nhưng cả chính quyền lẫn chủ đầu tư và nhà thầu đều xem đó là... tất nhiên. (G.Đ)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: