Ngày 30/11/2015, một bức thư ngỏ đã được gửi tới ông Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận, và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng (thuộc Quốc Hội CSVN), liên quan đến quyền được học tập của em Nguyễn Mai Trung Tuấn.
Phần đầu bức thư ngỏ này nhắc lại vụ án em Nguyễn Mai Trung Tuấn - 15 tuổi, bị Tòa án huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, buộc gia đình bồi thường 42 triệu 600 nghìn đồng, với tội danh “cố ý gây thương tích” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 24/11/2015.
Những người ký tên không đưa ra nhận định về vụ án, cũng như việc cưỡng chế đất của chính quyền tỉnh Long An gây nên hành vi phản kháng của em Tuấn. Bức thư này chỉ nhằm đòi hỏi quyền được học tập của em Tuấn trong quá trình em bị giam giữ.
Những người ký vào bức thư này đề nghị chính quyền bảo đảm cho em Nguyễn Mai Trung Tuấn “trong thời gian thụ án phải được tiếp tục học hành”, và “em có quyền, và nên khuyến khích, em dự thi đại học như mọi trẻ em Việt Nam khác”. Lời đề nghị này xuất phát từ hai nguyên tắc, đó là nguyên tắc về bình đẳng và nguyên tắc về các quyền căn bản của con người, đặc biệt em Tuấn còn đang là trẻ vị thành niên.
Theo bức thư, các nguyên tắc này được ghi nhận trong Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em, Tuyên ngôn phổ quát về Quyền con người mà CSVN có tham gia và Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của chính CSVN.
Bức thư này nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất là bảo vệ “nhân phẩm và giá trị” của trẻ em, thúc đẩy “sự tái hòa nhập xã hội” của trẻ em lầm lỡ, góp phần xóa bỏ hận thù và bạo lực trong xã hội, và mặc định rằng trẻ em “sẽ đóng góp vai trò xây dựng xã hội”; thứ hai là quyền được học. Trong trường hợp của em Tuấn có thể được học theo nhiều phương thức khác nhau.
Những người ký tên vào bức thư này gồm có nhà báo, luật gia, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội, người làm kinh doanh. Họ sẵn sàng tham gia bằng những việc làm cụ thể trong phạm vi khả năng cho phép, kể cả về chuyên môn, nhân sự lẫn nguồn lực tài chính.
Dù em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị cầm tù hay được tự do, thì việc em được họp tập là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Quyền này của em hiện đã và đang bị tước đi, thay vào đó là sự đấu tranh cho sinh tồn.
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét