Pages

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

VietTuSaiGon - Một vở kịch thiểu năng

Kẻ tham nhũng tự nguyện nộp từ 75% tiền tham nhũng trở lên sẽ được miễn án tử hình và cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn phải chịu bốn năm rưỡi tù vì đã bức xúc, đã đấu tranh vì quyền lợi gia đình. Hai câu chuyện này nghe có vẻ không có điểm liên quan nào. Nhưng trên thực tế, nói gần thì nó cho thấy một điểm chung là pháp luật Việt Nam không những lỏng lẻo mà còn là trò hề, nói sâu xa một chút, khi mà huy hiệu đảng Cộng sản còn treo trên tòa án thay thế cho vị trí của nữ thần tự do hay cán cân công lý, mọi phiên tòa ở Việt Nam chỉ mang tính chất là một sân khấu kịch của chế độ mà ở đó mọi thể loại kịch đều có thể được trình diễn.

Vì sao nói vấn đề khai nộp 75% tiền tham nhũng và bốn năm rưỡi tù của cậu bé 15 tuổi có liên quan với nhau? Và vì sao nói rằng tòa án ở Việt Nam là một loại sân khấu kịch của chế độ? Và cả hai câu hỏi này cho ra đáp án gì?

Ở vấn đề thứ nhất, nộp 75% tiền tham nhũng trở lên sẽ được miễn án tử hình. Vấn đề này lại phát sinh hai vấn đề mới, đó là khả năng thật thà của kẻ tham nhũng và sự vẽ đường cho hươu chạy, mối nguy tham nhũng tràn lan. Hay nói cách khác là sự thiếu thông minh của lập pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường sau này.

Bởi lẽ, một khi kẻ tham nhũng còn một chút thật thà, họ đã không tham nhũng, nếu có đủ lương tri và lòng tự trọng, chắc chắn người ta đã không tham nhũng. Và nói sâu xa hơn, nếu hệ thống cầm quyền Việt Nam còn một chút lương tri cũng như lòng tự trọng thì người ta đã không tự biến mình thành một tập thể sâu mọt và đất nước này cũng không đến nỗi bị đục khoét, hỏng hóc như hiện tại.

Chính vì không có lương tri, không được đào tạo trở thành một con người trước khi trở thành một quan chức nên người ta không cần bận tâm gì đến đồng loại hay xã hội. Người ta đã bất chấp trên mọi thứ, miễn sao là đạt được mục tiêu vinh thân phì gia. Và hầu hết giới quan chức Việt Nam đã đạt được mục tiêu vinh thân phì gia một cách mỹ mãn. Để trả giá cho mục tiêu này của họ, người dân càng này càng trở nên khốn đốn bởi giá điện, giá nước, giá xăng tăng một cách khủng khiếp, mọi thứ vật giá cũng leo thang, đồng tiền Việt Nam trở nên nhỏ nhoi, mất giá trị trong khi người lao động kiếm ra nó một cách vất vả.

Và khi phải đối diện với tòa án, đứng trước vành móng ngựa, liệu kẻ tham nhũng có đủ thật thà để khai ra số tiền mà y đã tham nhũng? Bởi những con số tham nhũng bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với con số mà cơ quan chức năng nắm bắt. Vì qui trình điều tra của cơ quan an ninh kinh tế Việt Nam căn cứ vào các mối quan hệ kinh tế cũng như các văn bản liên quan đến đối tượng điều tra để làm bằng chứng. Trong khi đó, tiền tham nhũng là một loại tiền khắc tinh của văn bản và bằng chứng. Chính vì điều này mà nạn tham nhũng tràn lan nhưng những con sâu tham nhũng chỉ bị bắt khi mà sự việc đã xì ra cho cả thiên hạ nhìn thấy. Và kẻ tham nhũng bị bắt ở Việt Nam chỉ đóng vai trò là con dê tế thần để chịu trận thay cho rất nhiều tội lỗi giấu mặt phía sau nó.

Với kiểu quản lý cà rịch cà tàng và với đà tham nhũng tàn bạo như đang thấy, chắc chắn kẻ tham nhũng nếu có chịu nộp 100% tiền tham nhũng thì y vẫn dư được một khoản rất lớn nằm ở các ngân hàng nước ngoài, các tài khoản đứng tên ảo mà y chỉ cần nắm mật mã. Và đương nhiên y phải bằng mọi giá giữ mạng sống để còn cơ hội dùng đến những mật mã tài khoản khi có đủ điều kiện.

Theo hướng này, việc mở ra cơ hội sống nếu chịu nộp 75% tiền tham nhũng là một biểu hiện cho thấy khả năng quản lý kinh tế quá kém của nhà nước và sự bất lực của ngành an ninh kinh tế. Kẻ tham nhũng đã đạt được thế thượng phong mặc dù sắp đối mặt với cái chết. Bởi nếu y chết, số tiền tham nhũng của y sẽ không còn ở Việt Nam. Trong khi đó, nếu để cho y sống, cơ hội vớt vát những đồng tiền tham nhũng đã nằm rải rác ở khắp các ngân hàng thế giới sẽ giúp cho ngân sách nhà nước bớt trống rỗng.

Và điều này cũng cho thấy sự thất bại của chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Một chế độ tồn tại và hoạt động được nhờ vào vay nợ, bán tài nguyên rẻ mạt, bán sức lao động rẻ mạt và thu thuế trên bất cứ thứ gì thông qua thuế giá trị gia tăng. Mọi hoạt động này lại được duy trì và phát huy trên nền cảm hứng tham nhũng của giới quan chức. Và mục tiêu cuối cùng của đồng tiền vay nợ, bán sức lao động, thậm chí bán lương tri để vay nợ lại là tài khoản ở ngân hàng các nước tư bản. Nếu bắn bỏ kẻ tham nhũng, một lượng lớn tư bản sẽ nằm lại vĩnh viễn trong tài khoản của các nước tư bản.

Và phiên tòa xét xử kẻ tham nhũng, đến đây, nó giống như một sân khấu hề để trình diễn vở kịch mà đảng Cộng sản đã dàn dựng nhằm che đậy sự hỏng hóc nội bộ, che đậy cái xấu của hệ thống cũng như trút tội vào một con dê tế thần đang đứng trước vành móng ngựa nhằm xoa dịu dư luận. Một vở kịch không hơn không kém, nó cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam là những khung kịch bản của chế độ, mỗi luật sư, công tố viên, cơ quan điều tra, chánh án, bồi thẩm đoàn, thẩm phán… Đều là những con rối trong vở kịch của đảng Cộng sản.

Cũng chính vì nguyên nhân, lý do này mà mặc dù Việt Nam là nước phê chuẩn sớm nhất trong công ước về quyền trẻ em nhưng là là quốc gia vi phạm quyền trẻ em nặng nề nhất. Sự bất công đối với trẻ em diễn ra khắp mọi nơi, từ công viên đến quán nhậu, đường phố, nhà trường, bệnh viện… Nơi nào cũng có thể bắt gặp những trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em bán sức lao động, làm việc cật lực để kiếm cái ăn, bị giới chủ hất hủi, trù dập, đánh đập, bị đối xử bất công… Và nặng nề nhất là trẻ em dân oan.

Từ những em bé dân oan chưa đầy mười tuổi phải theo cha mẹ ăn nắng ngủ sương ở công viên Lý Tự Trọng, vườn hoa Mai Xuân Thưởng và khắp các vỉa hè Hà Nội, phải đi lượm ve chai kiếm sống và không được đến trường cho đến em Nguyễn Mai Trung Tuấn, cậu bé 15 tuổi vừa bị tòa án kết tội bốn năm rưỡi tù trong tuần này tại Việt Nam. Trong khi độ tuổi của Nguyễn Mai Trung Tuấn, xét theo Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì đây là độ tuổi vị thành niên, không có bất kỳ tòa án nào được kết án em. Phải đợi đến khi em đủ tuổi thành niên thì phiên tòa xét xử em mới hợp pháp.

Nhưng ở đây, vì đảng Cộng sản sợ hãi, họ thật sự sợ hãi khi mà sự phản đối, phản kháng từ nhân dân càng lúc càng tăng cao. Phải nói rằng mức độ phản kháng trong nhân dân tăng cao tỉ lệ với sự phình ra của túi tiền tham nhũng trong giới quan chức. Chính vì sợ hãi, họ buộc phải diễn một phiên tòa nhằm đánh vỗ mặt, nhằm chặn đứng sự phản kháng của giới trẻ và trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.

Rất tiếc là phiên tòa đánh vỗ mặt này không những không làm cho giới trẻ và trẻ em dân oan sợ hãi mà còn làm lộ bản chất láo khoét của chế độ. Với trẻ em, không có gì đáng khinh bằng sự không thành thật. Một khi Nguyễn Mai Trung Tuấn bị nhốt tù, bị kết án, thì có bằng bất cứ thủ pháp gì để mị dân vẫn không thể qua mặt được giới trẻ và trẻ em. Bởi với giới trẻ và trẻ em, chỉ có sự thật và lòng cao thượng mới thuyết phục được họ. Đảng Cộng sản Việt nam đã sai lầm khi chọn đấu pháp đánh vỗ mặt bằng một vở kịch tồi mà nội dung của nó là bản án bốn năm rưỡi tù giam đối với một em bé chưa đầy mười lăm tuổi.

Điều này vô tình làm lộ ra một gương mặt thật của đảng Cộng sản trong mắt giới trẻ và trẻ em, đó là hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ là những đạo cụ trong vở diễn của đảng nắm quyền và càng ngày, đảng nắm quyền càng diễn những vở kịch tồi, để lộ bản chất thiểu năng trí tuệ cũng như tính phi nhân của họ.

Và 75% tiền tham nhũng nộp để giữ mạng sống hay bốn năm rưỡi tù giam của một em bé vị thành niên sẽ không còn là chuyện ngạc nhiên đối với người Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung khi mà tất cả đã nhận rõ bản chất láo xược, phi nhân tính của hệ thống cầm quyền. Tất cả như một vở kịch tồi trước lúc hạ màn vĩnh viễn. Bởi không ai muốn xem hoài kịch thiểu năng.

Ngay cả những kẻ diễn kịch, họ cũng sẽ thấy chán và xấu hổ khi phải thủ mãi vai tồi trong một vở kịch tồi hết lần này lại sang lần khác. Cái giá phải trả của diễn kịch tồi sẽ là đạo diễn tự loại mình ra khỏi sân khấu bởi diễn viên thì chán bỏ công việc mà khán giả ngày càng bụm mũi, quay mặt. Lấy gì để sống khi mà diễn viên bỏ việc, khán giả không màng xem kịch, thưa các đạo diễn Cộng sản đáng kính?!

VietTuSaiGon

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào: