Thanh tra Bộ Tài chính Việt Nam công bố hôm 18/11 nói tiền 'sai phạm' họ kiến nghị thu hồi đến nay trong năm 2015 tăng 92,7% so với cùng kỳ 2014.
Con số tới nay trong năm 2015 đã là khoảng 52.253 tỷ đồng, bằng chừng 2,3 tỷ USD.
Không rõ số tiền này thu hồi được chưa vì văn bản chỉ nói đây là con số 'kiến nghị thu hồi'.
Đây là kết quả của hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2015 mà ngành Thanh tra nói là đã triển khai trên 6500 cuộc thanh tra hành chính và trên 116 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Số liệu đăng trong bài tổng kết trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng nói:
"Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 406.549 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh."
Con số "đã giải quyết là 32.817 trên 40.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ trên 81%. "
"Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 27,1 tỷ đồng, 44,7 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 108,1 tỷ đồng..."
Về tham nhũng trong bộ máy, bài tổng kết cũng xác nhận "tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực".
"Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền."
"Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực."
"Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn.
"Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước."
Tuy nhiên, bài không đi vào cụ thể con số thất thoát là ở bộ ngành nào và ai là thủ phạm.
Cháy túi chính quyền?
Chi tiêu công có vấn đề là chuyện đã được nêu ra một thời gian qua tại Việt Nam.
Gần đây nhất, một số cơ quan chính quyền đã 'cháy sổ' trả lương cho nhân viên, công chức.
Theo các báo Việt Nam hôm 2/12, sau Bạc Liệu đến ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau bị thâm hụt ngân sách, nợ khoảng 300 tỷ đồng.
"Nhiều khoản nợ không biết lấy tiền ra chi trả. Đặc biệt, cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức," theo một bài trên VietnamNet viết về Cà Mau.
Một trong số các lý do khiến Cà Mau "nợ như Chúa Chổm" là đầu tư công mà cơ quan công quyền làm chủ dự án.
Trang VietnamNet viết:
"Dự án cầu qua sông Tắc Thủ với mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng được giao cho Chủ tịch UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư" vào năm 2013.
"Chủ đầu tư quyết định mượn gần 47 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, thành phố Cà Mau không biết lấy nguồn đâu trả lại."
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh được trang VnEconomy dẫn lời khẳng định việc ngân sách 'hết tiền' là 'không ngoài dự tính'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét