Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Ðầu năm, vẫn chưa thể nói chuyện vui

Song Chi
Từ lâu rồi tin tức về Việt Nam, dù trên báo đảng, báo nhà nước hay các tờ báo độc lập, các trang mạng xã hội, blog cá nhân… chẳng mấy khi có được những tin tốt đẹp, sáng sủa, tích cực, dù là trong lĩnh vực chính trị, nhân quyền, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao hay môi trường…
Trái lại, thường xuyên là những tin xấu, tiêu cực, dù ai có muốn lạc quan đến mấy để chào mừng năm mới cũng khó mà vẽ ra được một bức tranh với những gam màu sáng cho toàn cảnh đất nước, xã hội Việt Nam bây giờ.

Chỉ trong mấy ngày đầu năm, đã có bao nhiêu chuyện xảy ra, chỉ điểm qua vài sự việc dưới đây là đủ có thể hình dung năm mới 2014 liệu tình hình có thay đổi, tốt đẹp hơn năm cũ hay không.
Thứ nhất, người dân tiếp tục là con sâu cái kiến, bị áp bức, bất công, còn sinh mạng tiếp tục bị nhà cầm quyền coi rẻ như bèo.
Như câu chuyện về một học sinh lớp 9 huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa chết bất thường sau khi bị công an xã làm việc. Thật ra em Tu Ngọc Thạch bị đưa về đồn làm việc vào chiều 29 tháng 12, do trước đó em và các bạn có xô xát, cãi nhau với một nhóm thiếu niên khác. Tối cùng ngày gia đình được công an thông báo lên bảo lãnh em về thì em bắt đầu có dấu hiệu mệt, ói. Ngày 30 tháng 12 gia đình đưa em đi cấp cứu, đến ngày 31 thì em tử vong.
Theo lời thuật lại của bà ngoại và anh trai em thì trước khi chết, Thạch kể đã bị công an đánh nhiều lần và rất nặng. Còn “Theo giấy chứng tử của BV Ða khoa tỉnh Khánh Hòa, Thạch tử vong do tụ máu dưới màng cứng bán cầu phải kèm đứt lún sọ thái dương phải, chấn thương sọ não.” (“Một học sinh chết sau khi công an làm việc”, báo Pháp Luật TP.HCM).
Cái chết tức tưởi của em đã khiến người dân phẫn nộ. Báo chí đưa tin, từ 11 giờ đến 15 giờ 30 ngày 31 tháng 12, quốc lộ 1A đoạn qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị tê liệt hoàn toàn vì hàng ngàn người dân kéo ra chặn xe, buộc các cơ quan chức năng đưa xác em Tu Ngọc Thạch đến trụ sở UBND xã Vạn Long để làm rõ nguyên nhân cái chết. Công an tỉnh Khánh Hòa phải huy động hàng trăm cảnh sát thuộc nhiều lực lượng đến giải tán đám đông.
Ðây không phải là lần đầu tiên người dân bị tử vong đột ngột sau khi bị công an mời về đồn “làm việc.” Chuyện công an đánh đập, bạo hành dân đến chết chỉ vì một lỗi giao thông nhỏ nhặt hay đang trong quá trình điều tra một vụ việc, sau đó vu cho nạn nhân chết do bệnh lý hoặc tự tử, đã xảy ra rất nhiều lần.
Lần này là một đứa trẻ 14 tuổi mà điều đầu tiên, theo đúng luật, khi công an đưa đi làm việc phải có sự giám hộ của người lớn. Nhưng ở cái đất nước này thì đám công an ngồi chồm hổm lên pháp luật, muốn làm gì là làm.
Và khi xảy ra chuyện, muốn xoa dịu sự tức giận của người dân, công an huyện Vạn Ninh liền cấp tốc khởi tố vụ án, bắt một đứa trẻ khác, cũng 14 tuổi, là người đã ném một chai nước khoáng vào đầu cậu học sinh đã chết, trong khi những công an viên xã có đánh đập nạn nhân thì “còn đang điều tra.” Rồi sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu cậu học sinh ném chai nước khoáng kia bị đổ tội đã gây ra cái chết cho em Thạch, bị tù, còn các công an viên kia cùng lắm thì làm kiểm điểm!
Cũng ngay trong buổi sáng đầu năm, ngay tại Sài Gòn, bà con dân oan nhiều tỉnh phía Nam đã tập trung biểu tình trước Nhà thờ Ðức Bà, hô vang các khẩu hiệu tố cáo nhà cầm quyền cộng sản ở các địa phương cướp đất, cướp nhà của dân, tham nhũng, đàn áp dân oan… Cảnh sát cơ động và các lực lượng an ninh khác lập tức được huy động để đàn áp, giải tán cuộc biểu tình. Ðã xảy ra xô xát, có người bị đánh, có những người bị công an bắt đưa lên xe đi đâu không rõ…
Trước đó, vào ngày cuối cùng của năm 2013, một nhóm các cựu tù nhân lương tâm trong đó ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Luật Sư Lê Thị Công Nhân cùng chồng con đi thăm một cựu tù khác là Phạm Văn Trội đang bị quản chế tại nhà ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội, thì bị công an đưa về UBND xã, chửi mắng, hành hung.
Chỉ cần đọc qua vài thông tin đầu năm như thế để thấy nhân quyền, quyền tự do và cả sinh mạng của người VN không có cơ may gì sẽ được tôn trọng, cải thiện.
Ở một góc độ khác, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có vài động tác khiến ai không hiểu rõ về các chế độ cộng sản nói chung và nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng hẳn sẽ le lói hy vọng.
Bài viết của ông thủ tướng, “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” được các báo đảng công bố. Trong đó nhấn mạnh “nguồn động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững là từ việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.”
Nhưng những ai đã có quá nhiều kinh nghiệm với nhà nước Việt Nam thì sẽ không dễ tin vào những lời nói đẹp đẽ. Chẳng phải chỉ riêng ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng có nhiều tuyên bố cấp tiến, táo bạo về vụ Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm, đề xuất luật biểu tình hay tuyên bố vụ cưỡng chế đầm Cống Rộc của anh em ông Ðoàn Văn Vươn là trái luật đó sao. Nhưng rồi anh em ông Vươn vẫn bị kết án tù trong lúc đám quan chức huyện Tiên Lãng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ,” luật biểu tình của người dân vẫn chưa thấy đâu v.v…
Một động thái khác của ông thủ tướng: theo VietNamNet, chiều 30 tháng 12, tại trụ sở chính phủ, ông thủ tướng đã có buổi làm việc với Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam Trong cuộc nói chuyện, ông Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đề xuất đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa. Và “yêu cầu Bộ GD & ÐT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại Giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng SGK phổ thông sau năm 2015.” (“Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK,” VietNamNet).
Nhưng ngay sau đó, thông tin này đã được yêu cầu gỡ bỏ trên hàng loạt các báo, được biết là do có… chỉ thị miệng từ cấp cao! Cũng chẳng ai còn lạ gì sự hèn hạ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước đến nay đối với đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc. 40 năm sau khi Hoàng Sa bị mất và 26 năm sau khi một phần Trường Sa bị mất vào tay Trung Cộng mà lãnh đạo Việt Nam hiện nay vẫn sợ bóng sợ gió những kẻ xâm lược đến mức đó thì có hy vọng gì?
Cũng trong những ngày đầu năm, hình ảnh ông thủ tướng đi thị sát chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam lan truyền trên mạng, trông “nội thất” con tàu cũ nát, rỉ sét, các thiết bị như có từ vài chục năm trước, mà ngán ngẩm. Chả lẽ người Nga bán tàu đồng nát cho Việt Nam vì VN không đủ tiền?
Ðược biết, vụ đặt mua 6 chiếc tàu ngầm này là từ chuyến sang thăm Nga của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2009. Hay lại một vụ đi thu mua đồ đồng nát về rồi kê khai lên 3 hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ để chia nhau, bỏ túi? Thế này thì ông thủ tướng và đàn em có khác gì nhân vật Dương Chí Dũng vừa bị xử tử vì đi mua mấy cái ụ nổi vứt đi trong vụ Vinalines vừa rồi đâu.
Tiền thuế của dân, tài nguyên đất nước bị đám lãnh đạo, quan chức Việt Nam đem xài phung phí, bỏ túi ăn chơi đã đành, nhưng nếu ngay đến những chuyện quan trọng như mua tàu ngầm, mua vũ khí bảo vệ đất nước mà họ cũng mua đồ cũ, đồ nát để ăn bớt thì quả thật, không còn chút lương tâm nào. Bi hài hơn nữa là trong khi đó thì báo chí Việt Nam cứ phải tung hô con tàu nào là hiện đại, tối tân, các nước Ấn Ðộ, Trung Quốc đang dè chừng tàu ngầm Việt Nam, v.v…
Một đất nước mà những kẻ cầm quyền hoàn toàn coi thường cả việc bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, coi thường con người từ những đứa trẻ trở đi, thì tương lai đất nước ấy sẽ đi về đâu, chúng ta cũng có thể đoán được.
Nhưng thật ra, trông chờ vào sự thay đổi, nghĩ lại của những kẻ cầm quyền như lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam là điều ngây thơ, hoang tưởng. Sự thay đổi phải từ sức ép của nhân dân. Bắt đầu từ lúc mỗi người, thay vì trước mọi chuyện tồi tệ đang xảy ra từng ngày từng giờ trên đất nước, chỉ chép miệng: “Cái nước mình nó thế” lâu dần thành quen, sẽ đặt lại câu hỏi: “Tại sao cái nước mình lại như thế” và “Không thể cứ như thế mãi.”
Mong là như vậy.

Không có nhận xét nào: