Do áp lực của dư luận, chiều 23/11/2015, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh An Giang đã họp bàn về việc kỷ luật 3 cán bộ chê Chủ tịch tỉnh này “mặt kênh kiệu” trên facebook. Lãnh đạo các sở, ngành đã đồng ý “giảm án” cho 3 cán bộ này.
Ông Võ Nguyên Nam - Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của chính quyền tỉnh An Giang đã chỉ đạo phải xem xét lại sự vụ một cách thấu tình đạt lý, xét lại việc xử phạt “để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”. Theo đó, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đồng ý giảm nhẹ hình thức kỷ luật, xử phạt đến mức thấp nhất cho 3 cán bộ liên quan đến sự việc đang gây phẫn nộ trong dư luận.
Cụ thể, đối với cô Lê Thị Thùy Trang - giáo viên trường phổ thông Long Xuyên, rút hình thức kỷ luật từ khiển trách xuống phê bình; miễn hình thức phạt tiền 5 triệu đồng. Việc miễn hình thức phạt tiền căn cứ vào đơn xin giảm mức phạt tiền trước đó của cô Trang.
Đối với bà Phạm Thị Kim Nga - Phó chánh văn phòng Sở Công thương tỉnh An Giang, được đề nghị giảm từ hình thức cảnh cáo về mặt đảng xuống mức phê bình.
Đối với ông Nguyễn Huỳnh Huy Phúc – nhân viên Điện lực An Giang (chồng bà Nga), giữ nguyên hình thức phê bình. Nhưng ông Phúc sẽ được xem xét miễn chịu hình thức phạt tiền 5 triệu đồng nếu ông Phúc có đơn xin miễn giảm phạt tiền (mặc dù ông này đã nộp phạt).
Kết luận của phiên họp này vẫn cho thấy sự vi phạm trắng trợn quyền công dân, quyền con người căn bản và vi phạm hiến pháp. Bởi việc thể hiện quan điểm hay chê quan chức tỉnh không phải là việc làm sai trái, nhưng họ vẫn phải chịu kỷ luật, cho dù đã giảm nhẹ đi và vẫn bị coi là có lỗi. Với việc ba người này phải có “đơn xin miễn giảm tiền phạt” thì mới được miễn tiền phạt đã cho thấy rằng, chính quyền muốn người này “nhận tội” mặc dù họ không có tội lỗi gì.
Tiếng nói của dư luận người dân đã bắt đầu có tác dụng trong xã hội, buộc chính quyền CSVN phải sử xự văn minh, đúng pháp luật hơn.
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét