Thực ra cuộc họp báo của công an Hà Nội ngày 10/11/2015 với kết luận kỳ cục “hai luật sư bị đánh do lái xe gây bụi bẩn” chỉ là một hành động “đâm lao phải theo lao”. “Cái lao” phóng ra là của ông Tướng Công an Nguyễn Đức Chung.
Ngày 22/10/2015, Tướng Chung khẳng định quá trình bắt giữ Đỗ Đăng Dư “đúng qui định của pháp luật.”
Lời nói chắc nịch đó cho thấy Tướng Chung đã xác quyết: Dù thế nào, Công an vẫn đúng. Nghĩa là, ông Tướng Công an, Tiến sỹ luật Nguyễn Đức Chung kết luận: Đỗ Đăng Dư chưa đến tuổi thành niên bị công an bắt giữ với nhiều tình tiết tố tụng còn rất nghi vấn vẫn là “đúng luật” và bị chết là do xô xát với các nghi can khác. Công an sẽ truy tìm nguyên nhân và hung thủ (nếu có), nhưng chắc chắn: Công an hoàn toàn vô can!
Mặc định công an vô can với những cái chết trong đồn công an là một thực tế người dân Việt phải ngậm ngùi chấp nhận từ lâu trong chế độ Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, ít nhất kể từ năm 1975 trên toàn Việt Nam. Do đó những phát ngôn của Tướng Chung và của Công an Hà Nội không phải là điều mới. Nhưng những phát ngôn đó phát ra vào thời điểm không còn được thuận như trước. Bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đã khác, đặc biệt, giới luật sư, dù còn bị kềm kẹp, cũng đã khác sau hơn 20 năm được tiếp xúc với thế giới, được trui luyện trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Những phát ngôn “kết luận” kiểu đó của một ông tướng công an hay của một cơ quan công an trung ương cách đây 10 năm chắc chắn phải là một cái phẩy tay làm im bặt mọi bàn tán. Nhưng nay, “kết luận” đó không khác một chế giễu dư luận, một sự sỷ nhục các luật sư nhiều kiến thức và đang đầy khao khát được có nhân phẩm lớn hơn, công lý nhiều hơn.
Sự xông xáo, nhiệt tình của hai Luật sư, Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, và của nhiều luật sư khác, chỉ là một hệ quả tất yếu của bối cảnh đó.
Có lẽ đó chính là điều Tướng Chung, và các phụ tá, đồng sự, không nhìn thấy.
Đáng tiếc hơn, cho tới nay, thái độ, hành vi của Tướng Chung, Công an Hà Nội đối với giới luật sư, cùng đông đảo dư luận ngày càng tiến bộ, vẫn có vẻ cứ tiếp theo chiều “theo lao”: Hai luật sư bị hành hung, bị cướp đồ giữa ban ngày - Công an vội vã kết luận kiểu phủi tay “luật sư bị đánh do lái xe gây bụi bẩn” – Giới luật sư chia sẻ, hỗ trợ, đoàn kết cùng nhau bảo vệ công lý - Công an gia tăng sách nhiễu, đe dọa - …
Sự tương tác giữa công an, Tướng Chung với giới luật sư và dư luận tiến bộ sẽ còn diễn tiến. Nhưng, những gì Tướng Chung đã phát ngôn, đã chỉ đạo đều đã làm rất tốt công việc chứng minh cho toàn dân thấy rõ hơn: Công an Việt Nam, và đảng lãnh đạo của nó, coi tính mạng của dân không bằng hạt bụi! Một ông Đại biểu Quốc hội của Đảng cũng đã phải ngán ngẩm: “Nếu chỉ bắn bụi mà hành hung luật sư thì xã hội sẽ loạn.”
Tuy nhiên, sự bồng bột của Tướng Chung không phải hôm nay mới có. Trong vụ bắt cóc con tin năm ngoái, hầu hết toàn hệ thống truyền thông của chính quyền đồng loạt chạy tin ông tân Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, đích thân xông trận giải cứu thành công con tin. Nhưng, chỉ nhìn tấm hình chụp nghi can lững thững đi cạnh Tướng Chung, và những chi tiết nhân thân nghi can tiết lộ ngay sau đó, đủ cho thấy: Đại bác đã dùng để bắn...bụi. Phòng hình sự - số 7 Thiền Quang, Hà Nội - cơ quan cũ của Tướng Chung - thừa sức giải quyết những vụ khủng hoảng hình sự lớn hơn thế, và hơn hết đó trước tiên phải thuộc trách nhiệm, vinh dự đảm bảo an ninh, trật tự của Phòng hình sự Thủ đô - cấp dưới của Tướng, Giám đốc Công an Thủ đô. Nhưng dường như mọi cuộc giải cứu con tin, to, nhỏ - sự kiện luôn hot dư luận, gia tăng hình ảnh cá nhân – đều không thể thiếu sự hiện diện của ông phó Giám đốc hay Giám đốc Công an Thủ đô - Nguyễn Đức Chung. Đành rằng mọi lãnh đạo đều bị thôi thúc bởi nhu cầu muốn thể hiện năng lực với hạ cấp, nhưng sự thể hiện rất không nên cứ diễn ở lĩnh vực lẽ ra phải dành cho thuộc cấp.
Nếu quan lộ của Tướng Chung chỉ dừng ở cấp tỉnh-thành, những bồng bột - hay năng nổ - như thế thực không mấy quan hệ cho cá nhân ông Chung. Nhưng Tướng Chung lại không phải như thế. Ông vừa đắc cử Phó bí thư Đảng Cộng sản tại Hà Nội và có dấu được cơ cấu vào thượng tầng cao hơn của hệ thống chính trị toàn trị đang có vẻ ngả nhiều sang mầu cảnh sát. Chính trị toàn trị hay toàn trị cảnh sát thì cũng đều là chính trị độc tài - cuộc chơi đầy mưu kế phi nhân và hoàn toàn không dành cho sự bồng bột. Cái giá phải trả cho bồng bột, hiếu thắng, năng nổ trong nền chính trị đó không phải chỉ là thất cử. Những cái “gương tày liếp” của Tướng Thanh, Tướng Ngọ hay ông Nguyễn Bá Thanh,... vẫn còn nguyên đó.
Phạm Hồng Sơn
(Blog Phạm Hồng Sơn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét