Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Tàu Nhật sẽ cập cảng Cam Ranh - TQ bị chọc tức?

Việt Nam hiện đã cho phép tàu của Mỹ và Nga được neo đậu tại cảng chiến lược Cam Ranh, nhưng tàu nước ngoài cập cảng là điều chưa từng có tiền lệ.

Vịnh Cam Ranh là một cảng chiến lược, được xem là bến nước sâu tốt nhất ở Đông Nam Á. Tàu chiến Nhật sẽ được cập cảng vào đây sang năm – Photo Courtesy: NASA Johnson Space Center - ảnh chụp từ vệ tinh

Cali Toay News - Tàu chiến hải quân Nhật sẽ được phép cập cảng chiến lược Cam Ranh vào sang năm, theo thỏa thuận đạt được trong cuộc họp tham vấn quốc phòng giữa hai quốc gia diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 vừa qua. 
 
Theo truyền thông Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Đại tướng Nakatani và người đồng cấp, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thỏa thuận tàu chiến của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) sẽ được phép cập cảng Cam ranh, một cảng nước sâu tại miền Trung Việt Nam, nằm dọc bờ biển Đông. 
 
Hà Nội hiện tại đang xây dựng các căn cứ mới cho tàu chiến nước ngoài neo đậu, dự tính sẽ được mở cửa vào sang năm. Các quan chức Nhật cho hay tàu Nhật sẽ cập cảng Cam Ranh vào năm 2016. 
 
Việt Nam hiện đã cho phép tàu của Mỹ và Nga được neo đậu tại cảng chiến lược này, nhưng tàu nước ngoài cập cảng là điều chưa từng có tiền lệ. 
 
Chuyến thăm của tàu chiến Nhật tới cảng Cam Ranh, địa điểm gần vùng biển có tranh chấp ở Trường Sa nơi Trung Quốc đang xây dựng các hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp có thể chọc tức Bắc Kinh. 
 
Thỏa thuận ra đời khi các lực lượng an ninh của Nhật đang gia tăng hoạt động trên biển Đông giữa bối cảnh tranh chấp lãnh hải đang sôi sục, trong đó Việt Nam cũng là một bên liên quan. 
 
Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật tham gia vào diễn tập cứu hộ cùng với Hoa Kỳ và Phi Luật Tân ở Vịnh Subic vào tháng 8, và đã tập trận cùng với Hải quân Hoa Kỳ tại bắc đảo Borneo vào tháng trước. Ngoài ra, Nhật cũng đang kiếm thỏa thuận cho phép Lực lượng ghé thăm Phi Luật Tân, một quốc gia cũng đang tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Nếu đạt được điều này, thì đây sẽ là quốc gia thứ ba được tiếp cận căn cứ quân sự của Phi Luật Tân sau Hoa Kỳ và Úc. 
 
Hai quốc gia cũng thảo luận về một số biện pháp khác nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Thỏa thuận đáng chú ý nhất là kế hoạch tổ chức tập trận chung giữa Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật với Hải quân Việt Nam. 
Hà Nội và Tokyo thống nhất khởi sự các cuộc thảo luận về hợp tác kỹ thuật và thiết bị quân sự. Phía Nhật đã tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho Việt Nam trong những năm qua, nằm trong một phần lộ trình siết chặt an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. 
 
Tháng 8 năm ngoái, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã cam kết bảo trợ 6 chiếc tàu cho Việt Nam nhằm tăng cường an ninh hàng hải. Nhưng tập trận chung giữa hai quốc gia là điều đáng chú ý nhất trong quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia. 
 
Không nghi ngờ gì, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển đông là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác an ninh Việt-Nhật. Bắc Kinh vô số lần gây hấn Hà Nội, bao gồm việc đưa dàn khoan Hải Dương vào vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào năm 2014. 
 
Dịp này, cả hai Bộ trưởng đồng phản đối hành vi dùng sức mạnh thay đổi hiện trạng khu vực đang tranh chấp, và đồng ý rằng mọi vấn đề phải được giải quyết ôn hòa theo luật quốc tế. 
 
Các nhà quan sát cho rằng, hợp tác quốc phòng Việt-Nhật ngày càng được đẩy mạnh là một trong những lý do dẫn đến chuyến công du đến Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này chứng minh được mong mỏi của Hà Nội vẫn giữ mối quan hệ giao hảo với láng giềng phương bắc lắm kế nhiều mưu bất chấp căng thẳng giữa hai bên, trong khi vẫn củng cố hợp tác với các quốc gia hùng mạnh khác như Hoa Kỳ và Nhật. 
 
Hương Giang

Không có nhận xét nào: