Pages

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Thủ Tướng Úc kết án Trung Hoa đang gây chiến tại Biển Đông

Theo tờ Financial Times, Thủ Tướng Úc, Malcolm Turnbull, vừa trực tiếp cảnh cáo Trung Hoa rằng nước này không những tự cô lập mình trong vùng, mà còn có thể đang khởi diễn một cuộc chiến tranh, nếu cứ tiếp tục yêu sách lãnh thổ và đe dọa việc lưu thông tại Biển Đông.

Với vấn đề Biển Đông nổi bật tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á diễn ra tại Mã Lai vào Chúa Nhật qua, Ông Turnbull đã sử dụng cuộc nói chuyện bên lề Hội Nghị với Thủ Tướng Trung Hoa, ông Li Keqiang, để nhấn mạnh thêm sứ điệp của Úc xưa nay vẫn cho rằng tác phong của Trung Hoa tại Biển Đông không những có tác dụng ngược với quyền lợi Trung Hoa mà lịch sử còn chứng minh rằng một tác phong như thế chỉ dẫn tới tranh chấp quân sự mà thôi. 

Ông Turnbull nhắc lại cuộc Chiến Tranh Peloponnesian xẩy ra đã gần 2,500 năm nay để khuyên ông Li đừng “rơi vào Cạm Bẫy Thucydides”, một kiểu nói của khoa bảng đặt theo tên của một sử gia Hy Lạp từng tường thuật cuộc chiến tranh giữa người Nhã Điển (Athenians) và người Spartans. 

Người ta vẫn cho rằng các căng thẳng do tham vọng của Nhã Điển và nỗi sợ mất ảnh hưởng của Sparta đã khiến đôi bên ngứa ngáy tay chân và việc này đã dẫn họ tới chiến tranh. 

Ông Turnbull nói với Ông Li rằng Úc không dây dưa gì tới việc tranh chấp đất đai ở Biển Đông, nhưng Trung Hoa cần lưu ý đến lo lắng lớn mà họ đã tạo ra cho Hoa Kỳ và các nước khác ở trong vùng. 

CÁC THAM VỌNG ĐẤT ĐAI ĐÃ TẠO RA CĂNG THẲNG 

Ông Turnbull nhắc lại sứ điệp công khai đã phát biểu trước đây của ông rằng các tham vọng đất đai của Trung Hoa là một trong các chính sách ngoại giao phản hậu quả nhất mà nước này từng đưa ra và nó đang đẩy các nước nhỏ hơn và đang bị đe dọa như Brunei, Mã Lai, Việt Nam và Đài Loan xích lại gần Hoa Kỳ hơn. 

Nhiều nguồn tin cho rằng Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đã nhận định bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương vào tuần rồi tại Manila rằng chính sách của Trung Hoa đã vô tình thành công vượt bực trong việc đoàn kết các quốc Gia Đông Nam Á. 

Trung Quốc thấy mình bị cô lập cả ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ tuần rồi, lẫn ở APEC và ở Thượng Đỉnh Đông Á Chúa Nhật hôm qua tại Kuala Lumpur.

Thông cáo chung công bố lúc kết thúc Thượng Đỉnh Dông Á cố tình mơ hồ vì Trung Hoa là một trong các nước ký tên. Thông cáo này kêu gọi các nước “đưa ra quyết tâm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp quyền bằng phương tiện hòa bình, không dùng tới đe dọa hay vũ lực, mà qua viêc các nước trực tiếp liên hệ tham khảo và thương thảo cách thân hữu với nhau”. 

Nó cũng kêu gọi mọi phía “thực thi tự chế trong việc điều hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hay leo thang tranh chấp và gây nguy cơ đến hòa bình và ổn định”. 

Trung Hoa đã gây ra căng thẳng vì sử dụng việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên biển để mở rộng các yêu sách lãnh thổ của mình cả đối với đường hàng không, hải hành và các hòn đảo. 

Nó vẫn cho rằng các nước như Úc và Hoa Kỳ nên đứng trung lập vì họ không trực tiếp liên hệ tới các tranh chấp.

Tại Sydney, nơi vấn đề này trở nên nổi bật trong các cuộc nói chuyện giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Úc và Nhật Ban, Nữ Ngoại Trưởng Julie Bishop đã bác bỏ luận điểm của Trung Hoa. 

QUYỀN LỢI TRỰC TIẾP VÀ CÓ THỰC CHẤT

Bà Bishop nói rằng 2 phần 3 việc giao thương của Úc diễn ra qua ngả Biển Đông và, do đó, nước này có quyền lợi quốc gia một cách trực tiếp và có thực chất trong việc duy trì hòa bình và ổn định của vùng. 

Bà nói: “chúng tôi không vào phe nào trong các yêu sách lãnh thổ trái ngược nhau ở Biển Đông nhưng chúng tôi vốn nhìn nhận rằng việc đòi đất đai và các hoạt động xây dựng được Trung Hoa và các nước khác đưa ra đang tạo ra nhiều căng thẳng trong vùng”. 

Bộ Trưởng Quốc Phòng Gen Nakatani và Bộ Trưởng Ngoại Giao Fumio Kishida của Nhật liên kết quan tâm chung của hai nước về Trung Hoa với việc họ đấu thầu để xây dựng đoàn tầu ngầm kế tiếp của Úc. 

Ông Fumio nói rằng: “Cả hai nước chúng ta đều là những quốc gia hàng hải, nên chúng ta quan tâm rất nhiều tới tự do hải hành và tự do không vận trên vùng biển ngoài khơi và các vùng này cần được bảo đảm và luật quốc tế phải được tuân hành và việc sử dụng vũ lực không bao giờ được tha thứ”.

“Do đó, đây không hẳn chỉ là việc hợp tác trong lãnh vực tầu ngầm mà thôi, mà, tôi tin, đây là một điều căn bản đối với an ninh hàng hải của cả hai nước chúng ta”.

Tại Thượng Đỉnh Đông Á, chuyên viên về liên hệ ngoại giao của Trung Hoa, Victor Gao, bác bỏ các chỉ trích chống lại đất nước ông. Ông cho rằng Trung Hoa là một trong ít quốc gia trong vùng không xâm lăng hay xâm chiếm một lân bang. Các nước như Nhật Bản khó có thể nói được như thế.

Vũ Văn An

(Vietcatholic)

Không có nhận xét nào: