Pages

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Ts Trần Công Trục - Phi quân sự hóa Biển Đông và xảo thuật ngôn từ của Trung Quốc

Cần hết sức cảnh giác với nguy cơ Trung Quốc có thể đánh chiếm các bãi cạn, rặng san hô, các nhà dàn bởi họ vẫn nói "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền...

LTS: Xung quanh những diễn biến trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế G-20, APEC và đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh ASEAN, hội nghị thượng đỉnh Đông Á vừa qua, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích, tổng hợp của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Bất chấp vấn nạn khủng bố đang trở thành mối lo ngại toàn cầu sau vụ tấn công đẫm máu tại Paris, căng thẳng leo thang trên Biển Đông, đặc biệt là xu hướng quân sự hóa các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đã nhanh chóng chiếm lĩnh vũ đài chính trị của các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là APEC, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

                              Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Chưa bao giờ Biển Đông lại nhận được sự quan tâm lớn đến thế từ các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, việc đồng thanh phản đối xu hướng quân sự hóa Biển Đông, chống sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực tại các diễn đàn này mạnh mẽ chưa từng có và đẩy Trung Quốc vào thế bị cô lập, mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần và các phương án, thủ đoạn xoa dịu dư luận.

Tính cấp thiết của việc phi quân sự hóa Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã khẳng định, những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông đang là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất với khu vực hiện nay. Không quân sự hóa Biển Đông, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc có cam kết không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông là thông điệp nổi bật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại tất cả các hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ASEAN và đối tác, hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

VTV ngày 23/11 đánh giá, trong các hội nghị thượng đỉnh lần này, vấn đề Biển Đông được nhiều nước nêu bất một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn nhiều so với các kỳ hội nghị trước. Thành công có ý nghĩa trong các hội nghị này theo VTV, đó là trong Tuyên bố chung của hội nghị cấp cao Đông Á, Trung Quốc cũng đã chấp nhận đưa vấn đề phi quân sự hóa Biển Đông vào tuyên bố.

Còn tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 đã có gần 200 chữ về vấn đề Biển Đông. Tuyên bố khẳng định các nhà lãnh đạo chia sẻ mối quan ngại về sự gia tăng hiện diện của các cấu trúc quân sự và xu hướng quân sự hóa các cấu trúc tiền đồn này trên Biển Đông.

Báo Yomiuri Shimbun ngày 23/11 cũng đưa tin, trong vấn đề Biển Đông lần đầu tiên tuyên bố của hội nghị cấp cao ASEAN đề cập đến sự chuyển động của xu hướng "quân sự hóa" trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp và xây dựng (bất hợp pháp). Điều này rõ ràng là một quan tâm chung được đa số các nhà lãnh đạo chia sẻ.

Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc trong tuyên bố, nhưng Philippines và Việt Nam đã đấu tranh thành công để nêu bật mối lo ngại và cảnh giác trước nguy cơ sử dụng các đảo nhân tạo vào mục đích quân sự, bằng cách đó ít nhiều cũng góp phần giữ chân Trung Quốc, hạn chế quân sự hóa Biển Đông.

Tiếp lời ông Lưu Chấn Dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa tuyên bố, không nên ghép các cơ sở quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đảo nhân tạo với "quân sự hóa Biển Đông".

Xảo thuật ngôn từ của Trung Quốc

Đối mặt với áp lực rất lớn từ dư luận tại APEC và các hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, Trung Quốc gần như đã bị dồn đễn chỗ phải miễn cưỡng thừa nhận tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa Biển Đông. Không chỉ lãnh đạo nhiều nước nêu lên mối lo ngại về vấn đề này, mà cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ không được sử dụng vào mục đích quân sự cũng được nhắc đi nhắc lại để họ nhớ.

Tuy nhiên về phần mình, Bắc Kinh lại tiếp tục sử dụng thủ đoạn quen thuộc là xảo thuật ngôn từ về phi quân sự hóa Biển Đông. Bên lề các hội nghị cấp cao tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm Chủ Nhật 22/11, ông Lưu Chấn Dân phản ứng trước chất vấn của báo chí về xu hướng quân sự hóa Biển Đông rằng, không được gán ghép các công trình quân sự trên đảo nhân tạo với quân sự hóa Biển Đông?!

Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc cũng nhắc lại khẳng định của thượng cấp rằng, Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông. Ngày 23/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời một câu hỏi về quân sự hóa Biển Đông cũng nói, Trung Quốc hy vọng tất cả các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông sẽ nỗ lực phối hợp để tránh quân sự hóa khu vực. Ông Lỗi tiếp tục nhắc lại lập luận quen thuộc nhưng không thuyết phục, rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng phòng thủ.

Như vậy có thể thấy, để chống chế trước những lên án mạnh mẽ từ lãnh đạo các nước trong và ngoài khu vực, một mặt Trung Quốc khẳng định không quân sự hóa Biển Đông, không có vấn đề gì về tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông để trấn an và ru ngủ dư luận, mặt khác họ vẫn tiếp tục thúc đẩy công việc quân sự hóa các đảo nhân tạo đã bồi lấp bất hợp pháp.

Điều này thể hiện rõ trong tuyên bố thách thức dư luận của ông Lưu Chấn Dân tại Malaysia hôm 22/11: "Xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự cần thiết là điều cần làm đối với quốc phòng Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá".

Điều này cho thấy sau các hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Trung Quốc sẽ vẫn cứ tiếp tục làm những gì họ đang làm, đồng thời giải thích luật pháp quốc tế, giải thích về tự do hàng hải hay xu hướng "quân sự hóa Biển Đông" theo kiểu "đặc sắc Trung Quốc".

Đây là thủ đoạn khá quen thuộc của Trung Quốc: Đánh tráo khái niệm, đưa ra các khái niệm mơ hồ không có trong luật pháp quốc tế như "vùng biển phụ cận", "vùng cảnh báo quân sự", "tính chất phòng thủ"...để bao biện cho các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của mình. Trong khi đó triển vọng về COC vẫn hoàn toàn mờ mịt, tất cả đều do Trung Quốc vẫn tiếp tục dây dưa, lần nữa không muốn đàm phán thực chất.

3 việc cần làm để chống quân sự hóa Biển Đông

Việc đầu tiên là các bên liên quan cần tiếp tục đấu tranh yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết do chính lãnh đạo cao nhất của nước họ tuyên bố trước công luận quốc tế rằng, Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông, không sử dụng các đảo nhân tạo (bồi lấp bất hợp pháp) vào mục đích quân sự. Điều này đã được ông Tập Cận Bình nhắc đến công khai khi thăm chính thức Hoa Kỳ trong tháng 9.

Cam kết này lại một lần nữa được ông Lý Khắc Cường và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại. Do đó 4 giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại hội nghị có ý nghĩa và đóng góp hết sức quan trọng hướng tới mục tiêu này. 4 giải pháp bao gồm: Tạo dựng lòng tin chiến lược thông qua đối thoại và hợp tác, ngoại giao phòng ngừa, tìm biện pháp quản lý nguy cơ xung đột;

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama tại Kuala Lumpur, Malaysia, ảnh: Báo Thanh Niên.

Hai là thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, nhất là các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; Ba là tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, hình thành cơ chế cảnh báo sớm, phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các tình huống khủng hoảng khẩn cấp;

Bốn là các nước lớn có vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, do vậy các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, mang tính xây dựng để duy trì sự ổn định, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN xây dựng Cộng đồng kinh tế chung. Hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á -Thái Bình Dương nói chung luôn gắn với việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển, đặc biệt là Biển Đông.

Trung Quốc đã thừa nhận điều này và cam kết không quân sự hóa Biển Đông, chúng ta cần đấu tranh yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc cam kết ấy, dù biết rằng Trung Quốc luôn luôn tìm cách đánh tráo khái niệm, tự chế ra các khái niệm mập mờ để bao biện cho hành vi của mình và mục tiêu độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò vẫn chưa có gì thay đổi.

Nhưng rõ ràng họ vẫn không thể không cần thể diện trước nhân loại tiến bộ, văn minh.

Việc thứ hai là cần nghiên cứu kỹ các phương án đấu tranh pháp lý, kể cả trực tiếp với Trung Quốc tại tất cả các diễn đàn có thể cũng như đưa ra cơ quan tài phán quốc tế như những gì Philippines đã và đang làm. Đối phó với thủ đoạn đánh tráo khái niệm hay tự chế khái niệm mù mờ của Trung Quốc, chỉ có con đường dùng pháp lý để đấu tranh.

The Guardian ngày 23/11 cho biết, hôm nay Thứ Ba 24/11, Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại The Hague sẽ bắt đầu phiên điều trần tiếp theo về vụ kiện đường lưỡi bò, hoạt động này kéo dài trong khoảng 1 tuần. Vấn đề theo The Guardian là đáng chú ý trong lập luận của Philippines bao gồm:

Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Xu Bi là những thực thể lúc chìm lúc nổi và không thể tạo ra một vùng lãnh hải, một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Manila cũng khẳng định rằng các tuyên bố của Trung Quốc về quyền tài phán cũng như cái họ gọi là "chủ quyền lịch sử" đối với gần như toàn bộ Biển Đông bao phủ bởi đường 9 đoạn trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý trong phạm vi mà Trung Quốc đã vượt quá các giới hạn địa lý cũng như nội dung quyền lợi hàng hải của mình theo UNCLOS.

Việc thứ ba dù bất đắc dĩ nhưng cũng không thể lơ là, đó là các lực lượng chức năng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa cũng như thềm lục địa phía Nam cần hết sức cảnh giác với nguy cơ Trung Quốc có thể đánh chiếm các bãi cạn, rặng san hô, các nhà dàn bởi họ vẫn nói "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại" và "Trung Quốc đã kiềm chế lắm mới chưa thu hồi". Đó là một nguy cơ thực sự hiện hữu mà chúng ta cần phải tính đến.

Ts Trần Công Trục

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: