Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc trong khi chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ đã đạt được những thành quả cụ thể: Hiệp định TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hai yếu tố này khiến Trung Quốc phải tiến hành điều chỉnh chính sách ngoại giao.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ và Anh mới đây, cùng với việc Trung Quốc cử quan chức cấp cao tham dự lễ duyệt binh ở Triều Tiên và quan chức cao cấp trong quân đội nước này công khai tuyên bố “tuyệt đối không được tùy tiện dùng vũ lực” trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cho thấy chiến lược ngoại giao của Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Kể từ khi thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 2012, thái độ ban đầu của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh quốc gia và tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải là tương đối cứng rắn. Ví dụ, Trung Quốc duy trì sự đối đầu lâu dài với Nhật Bản ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, xây dựng các công trình quy mô lớn ở các bãi đá trên Biển Đông, tranh chấp khai thác dầu mỏ và xua đuổi tàu cá của các nước khác; với Mỹ lại xuất hiện cuộc “tấn công mạng” dẫn tới việc Mỹ công khai kết tội các sĩ quan quân đội Trung Quốc; với Ấn Độ cũng không ít lần xuất hiện tình trạng đối đầu ở các khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau ba năm thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc lên nắm quyền, tình hình an ninh xung quanh không những không có chuyển biến tốt, mà còn khiến cho Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cô lập và chịu các áp lực lớn từ bên ngoài. Khi Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới, các nước lớn ở phương Tây và một số nước láng giềng như Ấn Độ và Triều Tiên đều không cử nguyên thủ đến dự. Có hai yếu tố lớn gần đây càng khiến Trung Quốc phải tiến hành điều chỉnh chính sách ngoại giao.
Thứ nhất, nền kinh tế giảm tốc, thị trường chứng khoán "lao dốc", sản lượng nông nghiệp giảm, khối lượng xuất khẩu thấp hơn, áp lực việc làm gia tăng… đều đòi hỏi Trung Quốc phải dồn sự tập trung vào lĩnh vực kinh tế và vì thế mà giảm các hành động đối đầu, gây hấn với bên ngoài.
Thứ hai, từ năm 2012, Mỹ đã thực hiện chiến lược "tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và hiện chiến lược này đã đạt được những thành quả cụ thể, thể hiện ở việc Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương" (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, chuẩn bị bước sang giai đoạn thực hiện. Điều này cho thấy Mỹ đã bắt đầu xa lánh mô hình “Mỹ-Trung cùng trị thế giới” hay còn gọi là G-2, sẵn sàng thay thế bằng TPP và lấy đó làm thế chủ động tấn công, buộc Trung Quốc hoặc phải chấp nhận quy luật "cuộc chơi" mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc đứng trước nguy cơ bị loại khỏi "cuộc chơi".
Trong khi đó, một số sáng kiến do Trung Quốc đề ra, chẳng hạn như "Quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ”, chiến lược “Một vành đai, một con đường” đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Mọi người vẫn còn rất mơ hồ về các mục tiêu cụ thể của những sáng kiến này.
Vậy Trung Quốc sẽ có những điều chính sách ngoại giao như thế nào? Xét bối cảnh hiện tại, Trung Quốc dường như sẽ đi theo hướng thể hiện thái độ ôn hòa hơn, tạm chấp nhận việc lùi một bước để tiến vài bước. Cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ quan điểm sẵn sàng khai chiến khi các tàu chiến của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân đạo do Trung Quốc chiếm giữ. Tuy nhiên, Trung Quốc còn chưa dám sử dụng vũ lực đối với Phillipines và Việt Nam, thì làm sao họ có thể dám đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ? Hơn nữa, mục đích của Mỹ là nhằm vào những đòi hỏi vô cớ của Trung Quốc (ở trên Biển Đông) chứ không phải là muốn tranh chấp chủ quyền ở các bãi đá cụ thể với Trung Quốc.
Có thể nói, Mỹ muốn duy trì “tự do hàng hải” ở Biển Đông, nhưng họ không muốn chứng kiến “đám lửa lớn” bùng phát. Vì vậy, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, nếu không cũng có thể xảy ra tình trạng đáng tiếc. Tuy nhiên nếu Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại theo kiểu "cứng trước mềm sau", nguyên tắc không rõ ràng, lập trường khó hiểu, mục tiêu hỗn loạn lại hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của nước này.
Sự bị động và khó khăn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc rõ ràng là do sự trói buộc của các yếu tố thể chế. Vì vậy, quan hệ Mỹ-Trung từ đầu đã không tạo được sự đột phá mang tính thực chất. Trung Quốc không thể xử lý vấn đề Đài Loan, và vấn đề Hong Kong có khả năng cũng không thể xử lý. Trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể chiếm ưu thế, thực lực quân sự cũng có sự tiến triển lớn, song nước này hiện lại rơi vào tình trạng bị động và cô lập. Do đó, Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của nước này.
Theo Liên hợp Buổi sáng
Hoàng Lan
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét