Pages

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Xã hội dân sự sẽ đăng ký hay “xin đăng ký” với nhà nước?

Cùng thời gian kỳ họp quốc hội Việt Nam vào tháng 10-11/2015, đang hiện ra vài tín hiệu cho thấy có khả năng dự luật về hội (do chính quyền soạn thảo, chứ không phải do các tổ chức xã hội dân sự) vẫn được xem xét “kín”, cho dù chương trình của kỳ họp này không có việc thông qua Luật về hội.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn trong thế bùng nhùng. Trong dự luật về hội được Quốc hội công bố “lấy ý kiến rộng rãi” vào giữa năm 2015 đầy rẫy từ ngữ “xin – cho”. Ngay sau đó, các tổ chức xã hội dân sự phản ứng mạnh mẽ và đòi chỉ “đăng ký”. Thế nhưng cho tới lúc này, các cơ quan hành pháp và lập pháp Việt Nam vẫn chưa chịu đầu hàng. Và thế là một cụm từ mới xuất hiện: “xin đăng ký”.

Cụm từ trên được giới chức nhà nước nêu ra một cách không chính thức và đầy ẩn ý, lồng trong bối cảnh vào tháng 10, lần đầu tiên Ủy ban thường vụ quốc hội phát ngôn từ “Xã hội dân sự” một cách chính thức chứ không kiêng kỵ sợ phạm húy như trước đây. Dọc theo cách nói này là hai dự luật đang được lấy ý kiến - Luật về hội và Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Cũng vào thời gian này, lộ trình công bố bản văn đầu tiên của Hiệp định TPP vừa được các cơ quan hữu trách của Việt Nam thực hiện. Chỉ có điều, thành phần được xem là nhạy cảm nhất về chính trị của bản văn này là định chế Công đoàn độc lập, mà giới lãnh đạo chính trị Việt Nam đã phải chấp nhận để đổi lấy một chỗ bên bàn tiệc đứng TPP, vẫn bị những người công bố giấu nhẹm.
Hiển nhiên là vào nửa cuối năm 2015, Nhà nước Việt Nam đã phải thừa nhận cả Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự. Nhưng muốn để hai định chế này đi vào hoạt động theo đúng yêu cầu của Hiệp định TPP, lại cần có một bộ luật triển khai.
Khác với năm 2014 và vài năm trước đó, thời gian để giằng kéo hay mặc cả của giới quan chức Việt Nam chỉ muốn được, không muốn cho đang không còn nhiều. Lý do đơn giản là vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016, có khả năng chính phủ Mỹ sẽ trình lên quốc hội nước này nội dung đàm phán chính thức về TPP để quốc hội xem xét. Nếu thời gian xem xét của Quốc hội Mỹ theo đúng lộ trình 3-4 tháng, có khả năng TPP sẽ được cơ quan này bỏ phiếu (thông qua hoặc không thông qua) vào giữa năm 2016. Như vậy từ đây đến giữa năm 2016 sẽ là khoảng thời gian còn lại và tương đối ngắn ngủi để phía Việt Nam hoàn tất những cam kết đầu tiên về TPP, trong đó có Luật lập hội và những bước đi đầu tiên để triển khai Công đoàn độc lập.
Nếu vẫn cố tình giữ nguyên tinh thần “xin đăng ký” như một cách gây khó dễ cho Xã hội dân sự, e rằng giới quan chức soạn luật sẽ làm mất đi chút cơ hội còn lại về TPP của nhà nước Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: