Pages

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Hội nhà báo độc lập Việt Nam họp mặt tại Đà Nẵng

(VNTB) Sáng 28/11/ 2015, tại quán cà phê Rafew, số 58 Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng), đã diễn ra cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa một số thành viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ lần này có sự góp mặt của một số khách mời như nhà báo Trương Duy Nhất, nhà báo Lê Hải, anh Minh Phước - công dân sinh sống tại Đà Nẵng. Nhà báo Bùi Minh Quốc phó chủ tịch Hội chủ trì cuộc gặp gỡ.


Sôi nổi thảo luận về Quyền tự do lập hội

Đúc kết từ cuộc tọa đàm về Quyền tự do lập hội do Chi Hội nhà báo độc lập Việt Nam ở khu vực phía Bắc tiến hành, nhà báo Bùi Minh Quốc đi thẳng vào vấn đề là đã đến lúc các nhà báo và người dân Việt Nam của chúng ta phải đòi lại món nợ Quyền tự do lập hội mà những người cầm quyền Việt Nam đang nợ, việc đòi nợ này là rất cấp thiết. Nhà báo Bùi Minh Quốc khẳng định dưới chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946 thì người dân Việt Nam đã có Quyền tự do lập hội, tự do báo chí xuất bản, đã có hàng trăm hội, đoàn độc lập ra đời, hàng trăm tờ báo và nhà xuất bản tư nhân hoạt động, thể chế chính trị đa đảng, Chính phủ liên hiệp Quốc gia đã qui tụ được những bậc tinh hoa hàng đầu về trí tuệ và đạo đức của dân tộc để lãnh đạo đất nước.Thành công này không phải tự nhiên có mà phải trả giá bằng biết bao xương máu của những người đã hy sinh vì Tổ Quốc và Quyền Dân, nhưng kể từ 1975 khi chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước thì Quyền tự do lập hội và các quyền tự do cơ bản khác của người dân Việt Nam đã bị lờ đi, cho nên chúng ta cần phải ráo riết đòi.

Bảy mươi năm rồi, không thể để món nợ máu xương này dây dưa thêm được nữa.

Nhà báo Lê Hải đánh giá cao cuộc tọa đàm về quyền tự do lập hội mà Hội nhà báo độc lập Việt Nam tiến hành. Trên thực tế, các cá nhân hay tổ chức ở Việt Nam hiện nay nếu lập các hội như Hội chơi chim, Hội cá cảnh... thì chính quyền cấp phép ngay nhưng các hội này nếu có thêm từ “độc lập” ở phía sau thì chính quyền sẽ để ý hay xem xét lại. Nhà báo Lê Hải nêu bật một vấn đề có tính thời sự hết sức quan trọng:

“Việt Nam gia nhập TPP mở ra sự kiện Công đoàn do người lao động tự lập là hợp pháp, đây rõ là một lợi thế cho các hội, đoàn độc lập khác nối nhau ra đời. Việc đòi quyền tự do lập hội là chính đáng và diễn biến thời đại đang có những tác động tích cực cho chúng ta làm những việc này.”

Anh Khúc Thừa Sơn đúc kết trong những lần đi phỏng vấn, trò chuyện với các nhà hoạt động dân sự và chính trị ở Việt Nam đã đưa ra những băn khoăn rằng, căn cứ tình hình Việt Nam với đất nước Myanmar thì cả hai có những điểm tương đồng và những điểm khác nhau. Myanmar có những Thein Sein và Aung San Suu Kyi đã dám có những quyết định lớn để thay đổi thể chế một cách ôn hòa từ độc tài sang dân chủ thì ở Việt Nam hiện nay chưa có nhà lãnh đạo nào dám làm như vậy. Việt Nam đã có những bước đổi mới kinh tế nhưng chưa đổi mới chính trị, thể chế độc tài toàn trị đang còn bao trùm rất nặng nề lên đời sống người dân vì vậy hầu hết các Quyền mà người dân đang đòi đều là những quyền bị cho là “ nhạy cảm”.

Khách mời là anh Minh Phước tiếp lời khi thừa nhận các mạng xã hội đã đóng góp tích cực trong tiến trình người dân đòi quyền làm chủ của mình, nó đã góp phần đưa truyền thông, thông tin ngày một mạnh mẽ hơn. Tuy hiện tại người dân phần lớn còn mơ hồ hay chưa thực sự quan tâm đến những Quyền mà chính quyền đang còn mắc nợ nhưng cứ để nó tiến triển bình thường đừng nên dục tốc quá


Những đề xuất về Quyền lập Hội

Các thành viên của Hội cũng như các khách mời đều thừa nhận Hội nhà báo độc lập Việt Nam và trang Việt Nam Thời Báo dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay vẫn xác lập những hướng đi vững chắc trên cơ sở ôn hòa, đó là một thành quả bước đầu. Hội nhà báo độc Việt Nam còn đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tuyên bố rất tiến bộ, hợp lòng dân và tiến trình dân chủ hóa đất nước

Anh Phước cho biết, đề xuất về quyền tự do lập hội thì trước mắt cứ bám vào lợi thế sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, truyền thông thông tin độc lập nhưng Hội nhà báo độc lập Việt Nam phải tích cực đẩy mạnh thông tin hơn nữa đến với người dân. Đây có lẽ là cách tốt nhất để người dân biết được những quyền đang có và cùng nhau đòi lại món nợ mà chính quyền đang nợ trong đó có Quyền tự do lập hội.

Nhà báo Lê Hải cũng nhận thấy trang Việt Nam Thời Báo đang ngày một tỏ rõ tầm vóc của mình, các tin, bài đăng tải không chỉ mang tính thời sự trong nước mà cũng có tầm vóc quốc tế. Còn việc đề xuất quyền tự do lập hội, nhà báo Lê Hải ghi nhận các trang mạng xã hội ngày nay đã đóng góp tích cực giúp Việt Nam có tự do dân chủ hơn trước đây. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu vào sân chơi quốc tế thì trước sau gì cũng phải thừa nhận các Quyền căn bản của người dân. Việc của chúng ta bây giờ là phải làm sao góp phần thúc đẩy các Quyền đó đến với người dân nhanh hơn, làm sao cho tất cả người dân biết rằng Quyền tự do báo chí, Quyền tự do lập Hội là cần thiết đối với mình và mình đang đòi chứ không phải chờ đợi xin, cho. Trên các diễn đàn chính thống, nếu ai trong chúng ta có khả năng thì hãy dũng cảm giành lấy diễn đàn góp tiếng nói để làm sao chính quyền phải trả các Quyền này cho dân và có trách nhiệm phải phân định rõ đâu là tiếng nói phản biện, đâu là tiếng nói phản động tránh chụp mũ đánh đồng 2 tiếng nói là một.

“Trong khả năng hạn hẹp của mình thì hiện tại chưa nghĩ ra đề xuất gì ngoài việc cất lên tiếng nói của mỗi nhà báo độc lập, hãy là nhà báo gần dân, việc đi lấy tin và đưa tin cũng là cách gần dân nhất, trước mắt phải làm sao cho người dân thấy được bên cạnh những người làm báo nhà nước thì hoạt động của những người làm báo độc lập cũng thiết thực và quan trọng đối với họ không kém. Có nghĩa là tự do báo chí được thừa nhận sẽ thúc đẩy hiện thực hóa các Quyền tự do cơ bản khác của công dân trong đó có Quyền tự do lập hội được thừa nhận. Chờ đến sự thay đổi từ phía chính quyền là điều rất khó,” anh Khúc Thừa Sơn nhận định.

Nhà báo, nhà thơ Bùi Minh Quốc đưa ra kết luận :

- Muốn cho Quyền tự do lập hội không còn là những xác chữ vô hồn trên văn bản Hiến pháp như 70 năm qua thì phải phát huy tính tích cực chủ động của từng công dân từng ngày cùng nhau ráo riết đòi món nợ Quyền Dân. Tư thế của người đi đòi nợ là thế thượng phong, công khai hợp pháp hợp hiến, không phải trong tư thế của mối quan hệ xin, cho.

- Hội nhà báo độc lập Việt Nam cần tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo để làm rõ thêm nội dung và biện pháp hiện thực hóa Quyền tự do lập hội.Một trong các biện pháp quan trọng có tính khả thi cao (mà Hội đã từng làm với Quyền tự do biểu tình) là xúc tiến soạn ra một dự luật – phải mang tên là Luật về quyền tự do lập Hội đúng như Hiến pháp đã ghi “Công dân có Quyền tự do lập hội”, sau đó đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh và chính thức gửi cho Quốc hội, cho từng đại biểu Quốc hội./.

(Việt nam Thời báo)

Không có nhận xét nào: