Pages

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Cẩn trọng với hiệu ứng ‘độc quyền bán’ lẫn ‘độc quyền mua’

Cao Huy Huân
Thực phẩm giả bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện. Tất cả đều là thực phẩm độc hại: giá đỗ độc, dầu bẩn, thịt lợn nhiễm thuốc. (ảnh tư liệu ngày 24 tháng 5, 2011). Photo: AFP
Thực phẩm giả bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện. Tất cả đều là thực phẩm độc hại: giá đỗ độc, dầu bẩn, thịt lợn nhiễm thuốc. (ảnh tư liệu ngày 24 tháng 5, 2011). Photo: AFP
Trong cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thúc đẩy thương mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của Việt Nam. Giảm nhập siêu là một hướng đi đúng, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc – một địa chỉ đáng lo ngại về hàng hóa kém chất lượng và lạc hậu. Giảm nhập siêu sẽ giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng, đúng hơn là thoát khỏi hiệu ứng “độc quyền bán” của Trung Quốc. Tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, quan hệ thương mại Việt-Trung dường như cũng đang mắc phải hiệu ứng “độc quyền mua” ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã cứu cán cân thương mại Việt Nam.

Tại sao phải lo nhập siêu từ Trung Quốc?
Ngày 29-9, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm. Theo đó, trong tổng số 109,9 tỉ USD nhập siêu cả nước, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu rất cao với 44,7 tỉ USD (tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 11,9 tỉ USD (con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ 3,7 tỉ USD). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng là 24,3 tỉ USD, tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia kinh tế cũng dự báo nhập siêu từ Trung Quốc từ nay đến cuối năm có thể tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Không chỉ các chuyên gia, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể hình dung tình thế phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc hiện nay của Việt Nam khi nhìn vào những con số nhập siêu tăng như diều gặp gió, bất chấp Việt-Trung xảy ra nhiều căng thẳng trong thời gian vừa qua do vấn đề tranh chấp biển Đông xuất phát từ những hành động của Bắc Kinh. Người ta có thể ví von rằng hiện tượng “độc quyền bán” đang hiện diện trong quan hệ Việt-Trung. Có nhiều lý do khiến việc nhập siêu từ Trung Quốc trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, chất lượng hàng hóa Trung Quốc vẫn luôn là câu hỏi lớn, thách thức lớn với Việt Nam, thậm chí ngay cả với các thị trường châu Âu, Mỹ. Giá cả rẻ, thậm chí là rất rẻ hàm ý cạnh tranh mạnh đặt ra các khoảng trống rủi ro về chất lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Các công bố gần đây của Mỹ về hệ thống sản xuất “sao chép” của Bắc Kinh, ngay cả với các mặt hàng cao cấp như vũ khí, Bắc Kinh cũng bị tình nghi dính líu đến các vụ tấn công sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Điều này càng thuyết phục khi trong tốp 10 ngành nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam, các mặt hàng nhập chủ yếu liên quan về thiết bị, khoa học kỹ thuật nặng tính “chất xám”. Điển hình như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại kèm linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Nếu không cẩn thận, Bắc Kinh có thể chuyển hệ thống lạc hậu hơn sang Việt Nam.
Thứ hai, quan hệ Việt-Trung vốn ngày càng căng thẳng và vẫn chưa dịu đi bởi hàng loạt hành động bạo lực của Trung Quốc tại khu vực ngày càng có xu hướng tăng dần. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là động lực để giải quyết các vấn đề về chính trị; tuy nhiên nếu quan hệ một chiều, ví dụ như Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ dễ đưa Việt Nam vào thế chịu trận nếu có những va chạm, hay các cuộc chạm trán về mặt lợi ích trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quan trọng không kém chính là khả năng tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam, vốn vẫn còn quá non yếu để đối phó với các chiêu trò của doanh nhân Trung Quốc, vốn có thế mạnh về vốn, nhân lực, giá hàng hóa rẻ hơn bao giờ hết. Nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh hội nhập các hiệp định mậu dịch tự do với các quốc gia khác (như AEC, TPP…), nếu thiếu doanh nghiệp nội địa, tức nền kinh tế bằng không (0).
Phụ thuộc xuất khẩu cũng… thua
Mặc dù hiện nay Việt Nam chịu nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng cơ cấu xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại của Việt Nam – Trung Quốc dường như không đều ở nhiều ngành, nhiều mặt hàng khác nhau. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 12,5 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, với trị giá nêu trên, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tính đến hết tháng 8/2015.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đứng thứ 4 và chiếm 8% tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014. Tỷ trọng xuất khẩu của tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% vào năm 2003 và lên tới 70% trong năm 2014.
Không những thế, thị trường gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy có giảm trong tháng 9/2015, nhưng cũng đang phụ thuộc vào “bạn hàng” Trung Quốc rất nhiều. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD.
Các mặt hàng thủy hải sản, nông – lâm – ngư nghiệp phụ thuộc “người mua” Trung Quốc ngày càng rõ rệt, trong khi hệ thống thị trường thay thế của Việt Nam vẫn còn yếu kém; hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản, lương thực – thực phẩm… của Việt Nam vẫn chưa đủ chuẩn để lên bàn ăn của người phương Tây. Điều này dẫn đến một hệ lụy, như hiệu ứng “độc quyền mua”, gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh do nước này đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, điển hình như tháng 9/2015 vừa qua. Nếu quan hệ Việt-Mỹ leo thang vì bất kỳ vấn đề gì, ví dụ như biển Đông, thì việc thâu tóm thị trường có bản chất tương tự “độc quyền mua” của Trung Quốc cũng sẽ làm Việt Nam thiệt hại lớn. Bài học từ cuộc “chiến tranh chuối” mà Trung Quốc áp đặt lên Philippines, khiến Manila chịu nhiều thiệt hại, là minh chứng rõ ràng và khá thuyết phục về hậu quả của thị trường phụ thuộc quá nhiều vào tham vọng của Bắc Kinh.
Quan hệ Việt-Trung đang đi vào giai đoạn đầy thử thách với nhiều nhạy cảm về tranh chấp lãnh thổ. Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau, không loại trừ khả năng “chạm trán” trên mặt trận kinh tế. Cẩn tắc vô áy náy, Việt Nam phải mở rộng sân chơi mậu dịch tự do với nhiều quốc gia khác, đặc biệt cần tận dụng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng các hiệp định tự do với EU và nhiều quan hệ song phương khác.

Không có nhận xét nào: