Pages

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Hệ thống phát thanh bí mật của Bắc Kinh truyền tải tin tức thân Trung Quốc khắp Washington và thế giới

Đôi lời: Trung Quốc luôn tự hào là một nước lớn nhưng cách hành xử thì bá đạo của kẻ luôn ỷ vào sức mạnh và mưu mô. Luật pháp Mỹ quy định, nước ngoài hoặc những người nước ngoài muốn gây ảnh hưởng đến chính sách và dư luận Mỹ thì phải đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ. Trung Quốc muốn dùng Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) để gây ảnh hưởng đến chính phủ và công chúng Mỹ, nhưng đã không làm một cách quang minh, chính đại, trái lại họ cho những người Mỹ gốc Tàu đứng tên, làm chủ cổ phần của các công ty phát thanh Mỹ, phát những thông tin có lợi cho TQ, chi phối dư luận Mỹ. Sau khi hệ thống phát thanh bí mật của Trung Quốc bị các phóng viên Reuters khám phá, chắc chắn Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ vào cuộc điều tra và lần này TQ khó mà thoát.
_____
Tác giả: Koh Gui Qing và John Shiffman
Dịch giả: Trần Văn Minh

02-11-2015
Phần 3Chính quyền Trung Quốc kiểm soát hầu hết nội dung phát thanh của một đài phủ sóng trên toàn thủ đô Hoa Kỳ với các chương trình ủng hộ Bắc Kinh. WCRW là một phần của một mạng lưới toàn cầu đang mở rộng với 33 đài, trong đó sự can dự của Trung Quốc được giấu kín.
Bắc Kinh/ Washintong – Hồi tháng 8, các ngoại trưởng của 10 nước phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông tranh chấp. Khi truyền thông thế giới tường trình cuộc đụng độ ngoại giao, một đài phát thanh phục vụ thành phố quyền lực nhất nước Mỹ có một cái nhìn khác biệt về tin tức đó.
Nằm bên ngoài Washington, DC, đài phát thanh WCRW đã không đề cập đến dự án xây đảo có tính khiêu khích của Trung Quốc. Thay vào đó, một nhà phân tích giải thích rằng những căng thẳng trong khu vực là do “thế lực bên ngoài” không được nêu tên, tìm cách “can dự vào khu vực này của thế giới viện dẫn những tuyên bố sai trái”.
Đằng sau chương trình phát thanh của WCRW là một sự thật không bao giờ được nêu lên: Chính quyền Trung Quốc kiểm soát phần lớn những gì được phát sóng trên đài, là những gì được nghe ở Điện Capital và Tòa Bạch Ốc.
WCRW chỉ là một trong số đài phát thanh trên thế giới ngày càng gia tăng, qua đó Bắc Kinh đang phát đi các tin tức và chương trình thân Trung Quốc.
Một cuộc điều tra của Reuters trải rộng 4 châu lục đã xác định được ít nhất 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia, là một phần của một mạng lưới phát thanh toàn cầu được thiết kế theo cách che dấu chủ nhân chính của nó: đó là Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc của nhà nước, hoặc CRI.
Truy tìm các mối liên kết của CRI
Để tường trình câu chuyện này, 39 phóng viên Reuters đã truy cập hồ sơ của các công ty ở 26 nước để xác định một mạng lưới các đài phát thanh kết nối với ba người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc và kẻ hậu thuẫn đằng sau hậu trường, là Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc của chính phủ TQ.
Các phóng viên đã theo dõi các chương trình phát thanh ở các quốc gia này, chương trình được truyền đi chủ yếu bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nhưng cũng có các ngôn ngữ địa phương, bao gồm tiếng Thái, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồ sơ của công ty Trung Quốc được thu thập tại Bắc Kinh. Tại Hoa Kỳ, các phóng viên xem xét lại hàng loạt hồ sơ về các quy định, quy hoạch, tài sản, thuế, xuất nhập cảnh và công ty, bao gồm cả hợp đồng mua đài phát thanh và hợp đồng thuê mướn.
Nhiều đài chủ yếu phát đi các nội dung được CRI hoặc các công ty truyền thông mà họ kiểm soát ở Mỹ, Úc và Âu Châu tạo ra hoặc cung cấp. Ba doanh nhân nước ngoài người Trung Quốc là đối tác địa phương của CRI, điều hành các công ty và trong một số trường hợp sở hữu cổ phần của các đài. Mạng lưới lan rộng từ Phần Lan tới Nepal tới Úc, và từ Philadelphia tới San Francisco.
Tại WCRW, Bắc Kinh nắm giữ lợi ích tài chính trực tiếp trong chương trình phát thanh của đài ở Washington. Hồ sơ công ty tại Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy, một công ty con có trụ sở ở Bắc Kinh của đài phát thanh nhà nước Trung Quốc sở hữu 60% một công ty Mỹ, là công ty thuê hầu hết giờ phát sóng của đài.
Trung Quốc có một số cơ sở truyền thông nhà nước, chẳng hạn như hãng tin Tân Hoa Xã nổi tiếng trên thế giới. Nhưng các viên chức Mỹ với nhiệm vụ theo dõi chủ sở hữu cơ sở truyền thông nước ngoài và tuyên truyền cho biết, họ không biết gì về các hoạt động phát thanh do Trung Quốc kiểm soát trong nội địa Hoa Kỳ cho đến khi được Reuters liên lạc. Có 6 cựu viên chức cao cấp của Mỹ cho biết, chính quyền liên bang phải điều tra xem các hoạt động này có vi phạm luật pháp về quản lý truyền thông và đại lý nước ngoài ở Hoa Kỳ hay không.
Một điều luật của Hoa Kỳ được Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) áp dụng là cấm các chính phủ nước ngoài hoặc đại lý của họ sở hữu giấy phép phát thanh cho một đài ở Mỹ. Theo Đạo luật Truyền thông, các cá nhân, chính phủ và công ty nước ngoài được phép sở hữu trực tiếp tối đa 20% đối với một đài và lên đến 25% đối với tổng công ty mẹ của một đài ở Mỹ.
Tự CRI không nắm giữ cổ phần của các đài ở Mỹ, nhưng nó có cổ phần đa số thông qua một chi nhánh của công ty mướn WCRW ở Washington và một đài ở Philadelphia với cường độ sóng mạnh tương tự.
Cựu Chủ tịch FCC Reed Hundt cho biết: “Nếu có những cáo buộc về quyền sở hữu thực sự của chính phủ Trung Quốc đối với các đài phát thanh thì tôi chắc chắn rằng FCC sẽ điều tra“.
Luật pháp Mỹ cũng đòi hỏi bất cứ ai ở Mỹ đang tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách hay dư luận của Mỹ vì lợi ích của một chính phủ hoặc nhóm người nước ngoài phải đăng ký với Bộ Tư pháp. Hồ sơ công khai cho thấy rằng đối tác thương mại Mỹ – Trung của CRI và công ty đối tác này đã không đăng ký như đại lý nước ngoài theo pháp luật, được gọi là Đạo luật Đăng ký đại lý nước ngoài, hoặc FARA.
H1ĐỒNG MINH: Giám đốc  giám đốc điều hành của G&E, James Su, bên trái, nâng ly chúc mừng với giám đốc của CRIWang Gengnian, trong một bức ảnh trêntrang web của EDI Media.
“Tôi sẽ làm một cuộc điều tra kỹ lưỡng dựa theo luật FARA về một công ty phát lại tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc ở Mỹ mà không cần phải tiết lộ rằng công ty đó làm việc cho, thuộc quyền sở hữu hoặc được Trung Quốc kiểm soát”, ông D.E. “Ed” Wilson Jr., một cựu viên chức cao cấp của Tòa Bạch ốc và Bộ Tài chính nói.
Trụ sở CRI ở Bắc Kinh và đại sứ quán Trung Quốc ở Washington từ chối, không đưa các viên chức ra để trả lời phỏng vấn hay bình luận về kết quả truy tìm của bài viết này.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, ông Marc Raimondi, và phát ngôn viên của FCC, ông Neil Grace, đã từ chối bình luận.
Các viên chức khác tại FCC cho biết, cơ quan này nhận được rất nhiều đơn xin giấy phép nên chỉ khởi sự một cuộc điều tra nếu nhận được đơn khiếu nại. Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, chưa có khiếu nại như vậy đệ trình lên FCC về hệ thống phát thanh do CRI hậu thuẫn ở Hoa Kỳ.
Xây dựng “Quyền lực mềm”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người chống lại một trật tự thế giới mà ông cho rằng được Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ thống trị, biết rõ rằng Trung Quốc đang cố gắng phổ biến quan điểm của mình trên trường quốc tế.
“Chúng ta nên gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, đưa ra một câu chuyện tốt về Trung Quốc và truyền đạt hiệu quả hơn thông điệp của Trung Quốc tới thế giới”, ông Tập nói trong một phát biểu về chính sách vào tháng 10 năm ngoái, theo Tân Hoa Xã.
Giám đốc CRI, ông Wang Gengnian, mô tả nỗ lực truyền tin của Bắc Kinh như là chiến lược “mượn thuyền” – sử dụng các phương tiện truyền thông sẵn có ở ngoại quốc để chuyên chở câu chuyện Trung Quốc.
33 đài được CRI hỗ trợ phát thanh bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc hoặc địa phương, cung cấp một hỗn hợp các chương trình tin tức, âm nhạc và văn hóa. Các bản tin rải rác với những câu chuyện nêu bật sự phát triển của Trung Quốc, chẳng hạn như chương trình không gian, và sự đóng góp cho các mục tiêu nhân đạo, gồm cứu trợ động đất ở Nepal.
“Chúng tôi không phải là đế quốc ác quỷ mà một số phương tiện truyền thông phương Tây mô tả”, một người thân cận với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, người quen thuộc với hệ thống CRI, nói. “Các tường trình của truyền thông phương Tây về Trung Quốc quá tiêu cực. Chúng tôi chỉ muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của chúng tôi. Đó là tự bảo vệ”.
H1
Bằng một cách nào đó, các đài phát thanh do CRI hậu thuẫn đóng vai trò vận động tương tự như đài VOA của Mỹ. Nhưng có một sự khác biệt cơ bản: VOA công khai sự thật rằng đài nhận được tài trợ của chính phủ Mỹ. CRI sử dụng các công ty mặt tiền để đóng vai thay cho nó.
Một vài trong số các chương trình phát thanh tại Mỹ trích dẫn các bản tin của CRI, nhưng hầu hết là không. Một chương trình, The Beijing Hour, nói rằng chương trình “do Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc mang đến cho bạn”.
Một số chương trình trơn tru, một số khác thiếu chải chuốt. Trong khi nhiều phần không thể phân biệt với các chương trình phát thanh dòng chính ở Mỹ, một số có xướng ngôn viên nói tiếng Anh với giọng Trung Quốc.
Giá trị sản xuất thay đổi khác nhau bởi vì chương trình phát thanh nhắm tới ba đối tượng riêng biệt: thế hệ di dân đầu tiên người Trung Quốc với khả năng tiếng Anh hạn chế; thế hệ người Trung Quốc thứ hai muốn tìm hiểu về quê cha đất tổ; và những thính giả không phải người Trung Quốc mà Bắc Kinh hy vọng sẽ gây ảnh hưởng.
Một điểm chung mà các chương trình đều có: Họ thường bỏ qua những chỉ trích về Trung Quốc và tránh xa bất cứ điều gì mô tả Bắc Kinh ở mặt tiêu cực.
Một bản tin đầu giờ buổi sáng ngày 15 tháng 10, phát thanh ở Washington và các thành phố khác của Mỹ, chỉ được biết là “Tin tức thành phố”. Chương trình tường thuật rằng các viên chức Mỹ lo ngại về các cuộc tấn công không gian mạng, trong đó có một một cuộc tấn công mà các thông tin cá nhân của khoảng 20 triệu nhân viên chính phủ Mỹ đã bị cố tình đánh cắp. Buổi phát thanh đã bỏ sót một yếu tố quan trọng: sự phổ biến rộng rãi rằng các viên chức Mỹ tin rằng Trung Quốc đứng đằng sau cuộc tấn công đó.
Năm ngoái, khi hàng ngàn người biểu tình đòi bầu cử tự do làm tê liệt Hồng Kông trong nhiều tuần, tin tức trên các đài do CRI hỗ trợ ở Mỹ đã đưa ra quan điểm của Trung Quốc. Trong bản tường trình một ngày sau khi các cuộc biểu tình kết thúc đã không giải thích lý do tại sao người dân xuống đường và không có ý kiến của các lãnh đạo biểu tình. Các cuộc biểu tình, một bài tường thuật cho biết, đã “thất bại vì không có sự hỗ trợ của người dân Hồng Kông”.
Đa số các đài không chạy quảng cáo, cho nên không thấy có động cơ thương mại
Trên thế giới, các hồ sơ công ty cho thấy, những người đại diện của CRI sử dụng cùng cấu trúc kinh doanh. Mỗi người trong ba doanh nhân Trung Quốc có quan hệ đối tác với Bắc Kinh dựng nên một công ty truyền thông nội địa, với 60% thuộc sở hữu của một nhóm người có trụ sở ở Bắc Kinh gọi là Guoguang Century Media Consultancy. Theo đó, Guoguang hoàn toàn thuộc sở hữu của một công ty con của CRI, theo hồ sơ công ty của Trung Quốc.
Ba công ty trải rộng toàn thế giới:
Tại Âu Châu, GBTimes ở Tampere, Phần Lan, có cổ phần sở hữu hoặc cung cấp nội dung cho ít nhất 9 đài, theo các cuộc phỏng vấn và kiểm tra hồ sơ công ty.
Ở châu Á-Thái Bình Dương, Global CAMG Media Group ở Melbourne, Australia, có cổ phần sở hữu hoặc cung cấp chương trình cho ít nhất 8 đài, theo hồ sơ công ty.
Và ở Bắc Mỹ, G&E Studio Inc, gần Los Angeles, California, phát thanh nội dung gần như toàn thời gian trên ít nhất 15 đài Mỹ. Một đài ở Vancouver cũng chuyển tải nội dung của G&E. Ngoài việc phân phối lập trình của CRI, G&E sản xuất và phân phối các chương trình nguyên thủy thân Bắc Kinh từ các cơ sở ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 9 tại các văn phòng của ông ở gần Los Angeles, giám đốc G&E và giám đốc điều hành James Su khẳng định rằng công ty con Guoguang Century Media của CRI nắm giữ cổ phần đa số trong công ty của ông và rằng ông đã có một hợp đồng với đài truyền hình Trung Quốc. Ông nói rằng một thỏa thuận cấm tiết lộ không cho ông nói ra chi tiết.
Ông Su nói, ông tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. G&E không sở hữu các đài, nhưng thay vào đó thuê giờ phát sóng. “Nó giống như một công ty quản lý điều hành một khu chung cư”.
Ông Su nói thêm rằng ông là một doanh nhân, không phải là một người đại diện cho Trung Quốc. “Thính giả và công chúng Mỹ có sự lựa chọn”, ông Su nói. “Họ có thể chọn nghe hay không nghe. Tôi nghĩ rằng đây là một giá trị của Mỹ “.
Giám đốc điều hành GBTimes, Zhao Yinong, người đứng đầu các hoạt động phát thanh nước ngoài của cánh Âu Châu, xác nhận rằng ông nhận được nhiều triệu euro mỗi năm từ CRI. Trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, ông Zhao nói rằng ông “không quan tâm đến việc tạo ra một Trung Quốc giả” và ông “không có gì phải che giấu”.
Tommy Jiang, người đứng đầu CAMG, công ty có trụ sở ở Úc, sở hữu và điều hành các đài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã từ chối bình luận.
Sinh ra từ hang động
CRI đã phát triển đáng kể từ khi thành lập vào năm 1941. Theo trang mạng tiếng Anh của họ, buổi phát sóng đầu tiên là từ một hang động, và xướng ngôn viên đã phải dùng đèn pin để xua đuổi những con chó sói. Hôm nay, CRI cho biết họ phát sóng trên toàn thế giới với trên 60 ngôn ngữ và tiếng thổ dân Trung Quốc.
Nội dung chương trình phát thanh của CRI được soạn thảo rất cẩn thận, với sự quan tâm đến các chủ đề nhạy cảm như nhóm tâm linh Pháp Luân Công bị cấm, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của chính quyền. Những hạn chế đó có thể làm cho công việc thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc trở thành một cuộc chiến khó khăn với thính giả ở những nơi như Houston, Rome hay Auckland.
Nhưng CRI có một cái món quà để tặng cho các chủ đài. Từ năm 2010, đối tác phát thanh của CRI tại Mỹ đã kiếm được các chuyến giao dịch giúp giải cứu các đài phát thanh cộng đồng, bằng cách mua lại chúng hoặc trả ra hàng chục ngàn đô la một tháng để thuê hầu như tất cả thời lượng phát sóng của họ. Sau này được biết đến là “môi giới thời lượng” và là phương pháp mà G&E thường sử dụng để đi vào không gian ở Washington.
Tòa tháp cao 195 bộ (khoảng 59 mét) phát đi thông điệp của Bắc Kinh trên toàn khu vực Washington nằm ở ngoại ô quận Loudoun, tiểu bang Virginia, gần sân bay quốc tế Dulles. Họ phát ra tín hiệu có công suất 50.000 watt, mức tối đa cho một đài phát sóng AM tại Hoa Kỳ.
Tòa tháp đã hoạt động trở lại vào năm 2011. Trong 5 thập niên trước, trước khi Trung Quốc nhúng tay vào, trạm phát sóng được biết đến có tên là WAGE, trạm sử dụng các thiết bị nhỏ hơn và phát đi hầu hết tin tức và các buổi thảo luận địa phương.
Với chỉ 5.000 watt, tín hiệu không đi được xa. Điều này không quan trọng cho đến thập niên 1990, khi quận Loudoun bùng nổ trở thành một cộng đồng cư trú cho Washington. Các hành khách xe điện ngầm không nghe được sóng phát thanh khi đi nửa đường tới thủ đô.
Năm 2005, một công ty Mỹ có tên là Potomac Radio LLC mua lại trạm phát sóng và thêm vào một số chương trình thông thường toàn quốc. Giám đốc đài phát thanh Potomac, Alan Pendleton, cho biết công ty của ông có truyền thống cho các chương trình dân tộc thuê lại thời lượng, trong đó có một giờ một ngày cho CRI ở một đài khác. Tuy nhiên, doanh thu của WAGE tiếp tục giảm, và trong năm 2009, trạm đã không còn phát nữa.
Ông Pendleton nói, “Đó là một kinh nghiệm đau đớn. Chúng tôi đã đổ hàng triệu đô la xuống cống mỗi năm”.
Mong muốn phục hồi trạm phát sóng, các giám đốc điều hành khác của Potomac vào năm 2009 đã xin phép quận Loudoun xây dựng ba tòa tháp phát sóng trên đất sở hữu của cơ quan tiện ích của quận, hồ sơ cho thấy như thế. Các tòa tháp mới sẽ đẩy mạnh tín hiệu của đài 10 lần lên tới 50.000 watt, vươn xa tận tới Washington.
Trong đơn xin của họ, giám đốc điều hành của đài Potomac lập luận rằng tòa tháp mới đem lại “hy vọng cuối cùng để giữ lại đài phát thanh duy nhất của Loudoun”. Thủ tục giấy tờ đã không đề cập đến kế hoạch cho ông Su và CRI mướn thời lượng.
Đài phát thanh Potomac cũng tường trình cuộc tấn công 9 tháng 11 năm 2001, một ngày mà đài đã cung cấp “thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp của quận và các bậc cha mẹ”, khi dịch vụ điện thoại di động trở nên quá tải. Tòa tháp mới sẽ đóng góp cho an toàn công cộng, những người ủng hộ cho biết.
Hội đồng Giám Sát quận đã chấp thuận giấy phép cho tòa tháp. Trong những ngày trước khi đài phát sóng trở lại vào tháng 4 năm 2011, đài Potomac cố gắng xin phép FCC để đổi tên thành WCRW.
Khi được hỏi về ý nghĩa của chữ viết tắt, ông Pendleton xác nhận rằng chúng có nghĩa Đài phát thanh Trung Quốc ở Washington. Sự thay đổi là ý tưởng của ông, không phải của CRI, ông nói.
Các viên chức quận Loudoun đã rất ngạc nhiên khi đài được củng cố trở thành WCRW và bắt đầu phát đi nội dung của G&E và CRI về Trung Quốc.
H1
BẤT NGỜ: Cựu viên chức Loudoun Kelly Burk nói chủ WCRW hứa sẽ khôi phục lại một đài phát thanh địa phương. Sau khi quận phê duyệt tháp mới, trạm phát thanh lại bắt đầu phát đi nội dung của Trung Quốc khắp thủ đô Washington. REUTERS / Gary Cameron
Kelly Burk, giám sát viên quận hạt tại thời điểm đó nói: “Thật là lừa đảo. Họ trình bày như tất cả chỉ liên quan tới đài phát thanh địa phương, và chưa bao giờ tiết lộ những gì mà họ thực sự nhắm tới”.
Ông Pendleton của đài Potomac cho biết, không có sự lừa dối. Công ty của ông đã được CRI tìm tới nhiều tháng sau khi quận chấp thuận tòa tháp, ông nói.
Ông Pendleton nói rằng, ông không biết G&E có 60% sở hữu thuộc một công ty con của chính quyền Trung Quốc cho đến khi Reuters báo cho ông. Nhưng sự sắp xếp đó phù hợp với quy định của FCC, ông nói, bởi vì G&E thuê lại thời lượng phát sóng thay vì sở hữu trạm phát sóng.
Trong mọi trường hợp, ông nói, CRI công khai về các mục tiêu của họ: để giới thiệu một khía cạnh của văn hóa Trung Quốc và đưa ra quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế.
“Nếu bạn nghe các đài truyền hình do nhà nước bảo trợ khác”, nhất là của Nga, “họ thực sự quỷ quyệt”, ông Pendleton nói. “CRI không phải như thế”.
Ông Pendleton cho biết ông không xen vào nội dung của WCRW: Ông chỉ đơn giản chuyển tải tất cả chương trình do người của CRI ở Mỹ, sáng lập viên G&E, James Su, gửi tới.
“Sự ủy nhiệm” của Trung Quốc
James Yantao Su sinh ở Thượng Hải vào năm 1970, là năm Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên. Ông sang Mỹ vào năm 1989, ông cho biết, cuối cùng định cư ở West Covina, ngoại ô Los Angeles, và trở thành công dân Hoa Kỳ.
Vào đầu thập niên 2000, ông Su là nhà doanh nghiệp truyền thông tương đối thành công. Nhưng sau chuyến giao dịch năm 2009 để thành lập G&E, mà trong đó công ty chi nhánh của nhà nước Trung Quốc có cổ phần đa số, thì vận may của ông đã đến.
Ngày nay, chủ sở hữu đài phát thanh và đồng sở hữu bất động sản 44 tuổi này có tài sản trị giá hơn 15 triệu USD, theo một phân tích của Reuters về hồ sơ FCC, thuế, bất động sản, và công ty Mỹ. Dự án của ông bao gồm các đài tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, một tạp chí, một nhật báo, 4 tòa nhà chung cư, những căn hộ tại khách sạn Trump International ở Las Vegas, một công ty nhạc hội phim ảnh và một tổ chức từ thiện mà năm ngoái đã hiến tặng 230.000 USD cho một viện mồ côi ở Trung Quốc.
H1
Hai trong số các công ty hàng đầu của ông là G&E Studio và EDI Media Inc. G&E dành riêng một trang trên trang mạng để giới thiệu CRI như một đối tác “thân cận”, nhưng mới đây đã xóa bỏ, sau khi Reuters thực hiện điều tra. Trang mạng EDI cho biết họ đã trở thành “đại diện quảng cáo và truyền thông ra nước ngoài của Trung Quốc” tại Hoa Kỳ.
Vào năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã trao tặng ông Su giải thưởng đóng góp đặc biệt tại một sự kiện truyền thông của các đài truyền hình Trung Quốc.
Các mối quan hệ khác không được rõ ràng như thế: Sự phát hiện mấu chốt rằng G&E được Guoguang Century sở hữu 60% – là công ty ở Bắc Kinh có 100% sở hữu của CRI – nằm ở một chú thích trong một hồ sơ dài của FCC được đệ trình dưới danh nghĩa của một công ty khác của ông Su, đó là Golden City Broadcast, LLC.
Ông Su từ chối thảo luận chi tiết về sự nghiệp kinh doanh của ông. Tuy nhiên, một điểm chú ý ban đầu là bài phát biểu của ông vào năm 2003, khi ông vừa chớm tuổi ba mươi.
Được truyền thông nhà nước Trung Quốc phổ biến, bài phát biểu đặt ra viễn kiến của ông Su về cơ sở thương mại có khả năng kiếm lời và cũng giúp cho Trung Quốc phát đi thông điệp của mình tại nước Mỹ. Cơ sở thương mại sẽ cần được tổ chức để tuân theo luật sở hữu của Mỹ và sẽ “ủng hộ tư tưởng của Trung Quốc”, ông Su được dẫn lời nói.
Trong cùng bài phát biểu, ông nói về cảm tình của đồng hương di dân của ông đối với Trung Quốc. “Cảm giác thuộc về Trung Quốc vẫn nằm trong tâm khảm đồng hương cư ngụ ở nước ngoài và sự hưởng ứng ngày càng tăng của họ đối với chính sách hiện nay của Trung Quốc”, ông Su nói, theo Tân Hoa Xã.
Năm 2008, ông Su có một bài phát biểu mà trong đó ông chỉ trích giới truyền thông Mỹ chỉ chú trọng tường trình về các vấn đề như nhân quyền của Trung Quốc.
Giới truyền thông đã xuyên tạc “sự hiểu biết khách quan của quần chúng Mỹ” về Trung Quốc, thậm chí gây ra cảm xúc thù địch”, ông Su nói, theo một bài tường trình của Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc.
Chính vào năm 2009 khi viễn kiến của ông Su thực sự bắt đầu hình thành. Năm đó, hồ sơ cho thấy, ông Su thành lập G&E Studio.
H1
LỰC LƯỢNG BÊN NGOÀI: Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông tranh chấphình được chụp vào tháng 5. Bài tường thuật của WCRWnói rằng, “các lực lượng bên ngoài” đang tìm cách can dự vào khu vực này của thế giới, sử dụng những tuyên bố sai trái. Theo REUTERS / Hải quân Mỹ / Tài liệu phân phát
Hiện nay G&E phát thanh bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc trên ít nhất 15 đài ở Mỹ, bao gồm các thành phố Salt Lake, Atlanta, Philadelphia, Houston, Honolulu và Portland ở Oregon.
Các nội dung chủ yếu giống nhau trên mọi đài, được CRI từ Bắc Kinh hay G&E từ California sản xuất.
Một giờ điển hình trên hầu hết các đài bắt đầu với một bản tin ngắn hỗn hợp giữa các tin Trung Quốc và những câu chuyện về tội ác bạo lực ở Mỹ. Bên cạnh việc phát thanh các chủ đề chính trị công khai, các chủ đề trải dài từ sự dao động tiền tệ toàn cầu và sứ mệnh thương mại Trung Quốc đến bàn luận về thời trang của tài tử và những thách thức cho cha mẹ trong việc giáo dục con cái thời nay.
Trong khi ông Su sở hữu một phần nhỏ của G&E, ông đã phân chia quyền sở hữu các đài theo những cách khác nhau. Theo hồ sơ gần đây nhất của FCC, ông là chủ sở hữu chính của ít nhất 6 đài, chẳng hạn như một đài ở Atlanta mà ông đã mua với giá 2,1 triệu USD vào năm 2013.
Trong những trường hợp khác, ông thuê thời lượng phát sóng. Tại Washington, ví dụ, ông thuê hầu như tất cả thời lượng trên WCRW với giá hơn 720.000 USD một năm thông qua G&E. Một đài ở Philadelphia được mướn theo một thỏa thuận tương tự với ít nhất 600.000 USD một năm.
Một nữ phát ngôn viên của ông Su cho biết, mô tả của Reuters về tầm mức hệ thống phát thanh của ông “nói chung là đúng”.
Ông Su đã từ chối cho biết ông kiếm tiền bằng cách nào khi hầu hết các đài ở Mỹ hầu như không có quảng cáo. Ông cũng từ chối cho biết ông có tiền bằng cách nào để tài trợ các hợp đồng thuê mướn và mua lại đài phát thanh của ông.
Ông Su nói, đài của ông cung cấp cho công chúng Mỹ một cái nhìn khác biệt về văn hóa và chính trị Trung Quốc. Ông “không có cách nào kiểm soát” những gì CRI phát thanh trên các đài, và ông cũng không nằm trong bất kỳ kế hoạch tuyên truyền nào của Trung Quốc.
Ông nói, “Chúng tôi chỉ đưa những tin tức thực sự không bị kiểm duyệt đến khán thính giả”.
Ngày 29 tháng 10, WCRW có một chương trình gọi là “Tin tức hàng giờ.” Trong số các câu chuyện hàng đầu: viên chức cao cấp của Trung Quốc và chỉ huy hải quân của Mỹ dự tính sẽ nói chuyện qua video sau khi một tàu Hải quân Mỹ đi ngang qua gần đảo nhân tạo mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington và các đồng minh xem chương trình xây đảo như một mưu đồ để chiếm quyền kiểm soát tuyến đường biển chiến lược, và hành động đi ngang của Hải quân Mỹ hàm ý chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
WCRW đã bỏ sót phần này của câu chuyện.
Người đọc tin tức nói, các đô đốc đang có những cuộc đàm phán “giữa tình hình căng thẳng do Mỹ tạo ra trong tuần này”.
Cùng với sự cộng tác của Benjamin Kang Lim và Joseph Campbell ở Bắc Kinh, Ritsuko Ando ở Tokyo, Gopal Sharma và Ross Adkin ở Kathmandu, Mirwais Harooni ở Kabul, Joyce Lee ở Seoul, Eveline Danubrata và Arzia Tivany Wargadiredja ở Jakarta, Khettiya Jittapong và Pairat Temphairojana ở Bangkok, Theodora D’cruz ở Singapore, Mohammed Shihar ở Colombo, Terrence Edwards ở Ulan Bator, Diane Chan ở Hong Kong, Jane Wardell và Ian Chua ở Sydney, Balazs Koranyi và Harro Ten Wolde ở Frankfurt, Jussi Rosendahl ở Helsinki, Sara Ledwith ở London, Julia Fioretti ở Brussels, Can Sezer ở Istanbul, Andrius Sytas ở Vilnius, Kole Casule ở Skopje, Renee Maltezou ở Athens, Margarita Antidze ở Tbilisi, Radu-Sorin Marinas ở Bucharest, Geert De Clercq ở Paris, Marton Dunai ở Budapest, Ed Cropley ở Johannesburg, Selam Gebrekidan ở New York, Anna Driver ở Houston, Renee Dudley ở Boston, Brian Grow ở Atlanta, David Storey ở Washington và Euan Rocha ở Toronto.

Không có nhận xét nào: