Pages

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Lê Công Định - Tuyên bố chính trị và ngoại giao không mang tính pháp lý

Luật sư Lê Công Định
Một trong các luận điểm bác bỏ thẩm quyền của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) mà Trung Quốc nêu ra để không tham dự vụ kiện của Philippines là:
(1) Tuyên bố ứng xử (DOC) của các Bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 đã tạo nên thoả thuận giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng;
(2) Philippines là thành viên ASEAN, nên phải theo cơ chế của DOC, chứ không theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tuy nhiên, Hội đồng Tài phán của PCA trong vụ này đã nhận định rằng DOC chỉ là văn kiện chính trị, không có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên, và do vậy không liên quan đến Công ước Luật Biển vốn ưu tiên giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Nhận định này tối quan trọng, bởi nó sẽ đặt ra một tiền lệ (có thể trở thành án lệ) trong luật pháp quốc tế, rằng những tuyên bố chính trị và ngoại giao giữa các nước sẽ không mang tính pháp lý và không thể thay thế các điều ước quốc tế vốn dĩ là nguồn của luật pháp quốc tế như Công ước Luật Biển.
Từ đây rút ra hai hệ quả đáng lưu ý:
Thứ nhất, ASEAN và Trung Quốc đang thương thuyết lập nên Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (Code of Conduct, COC). Cũng như DOC hiện nay, COC có thể bị xem như văn kiện chính trị đơn thuần và không thể dùng để phân xử tranh chấp. Các quốc gia thương thuyết nên lưu ý điểm này để tăng cường giá trị pháp lý của COC trong tương lai, nếu muốn.
Thứ hai, Tuyên bố chung của hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc về việc giải quyết các bất đồng ở Biển Đông năm 2012 chỉ đơn thuần là một văn kiện chính trị, không thể ràng buộc và ngăn cản Việt Nam khởi kiện Trung Quốc trong tương lai tại toà án quốc tế.

Không có nhận xét nào: