Vụ hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung trong khi thực hiện nghiệp vụ bảo vệ quyền lợi cho gia đình thiếu niên bị đánh chết trong trại tạm giam, đã dẫn tới nhiều hệ lụy do cách xử lý của chính quyền Hà Nội.
Từ ngày 3/11 tới tối ngày 12/11 đã diễn ra một loạt sự kiện gây phản ứng ngược bất lợi cho chính quyền, cụ thể là Công an Hà Nội mà người đứng đầu là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Từ chuyện Công an Hà Nội họp báo nói các luật sư bị đánh là do chạy xe tung bụi bẩn, cho tới việc 200 luật sư dự kiến tuần hành tới Sở Công an, cũng như các cơ quan tư pháp cao hơn.
Bảo vệ quyền luật sư cũng bị bắt giữ
Và tới cuối ngày 12/11 đã xảy ra sự việc mà giới thạo tin gọi là hành động không thể ngờ được đã xảy ra. Đó là việc công an đến tận nhà bắt và đưa Luật sư Trần Vũ Hải về giữ tại Phường Xuân La, Quận Tây Hồ Hà Nội. LS Hải là trưởng nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai đồng nghiệp bị đánh, LS Trần Thu Nam và LS Lê Văn Luân.
Các anh này đã từ chối những yêu cầu chính đáng của tôi, lôi xềnh xệch tôi như một con chó, con lợn lên công an mặc dù tôi phản đối. Việc lôi xềnh xệch tôi có con trai tôi, vợ tôi, lái xe của tôi và nhiều người khác chứng kiến.
-LS Trần Vũ Hải
Tuy vậy báo Công an Nhân dân bản tin trên mạng lúc 22g17 ngày 12/11 đưa tin LS Trần Vũ Hải bị áp giải về trụ sở công an là vì lý do có đơn thưa của 28 hộ dân ở một số tỉnh, theo đó LS Hải nhận 84 triệu để hỗ trợ pháp lý về đất đai nhưng không thực hiện. Tờ báo nói sở dĩ Công an đến tận nhà áp giải vì LS Hải không hợp tác, 4 lần có giấy triệu tập mà không đến. Tờ báo cũng nói LS Trần Vũ Hải chỉ được tạm cho ra về vào cuối ngày 12/11 vì hết giờ làm việc.
Trên trang Facebook của mình, LS Trần Vũ Hải cho biết ông đã trở về nhà an toàn lúc 9g40 tối. LS Hải cảm ơn Ban lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, các đồng nghiệp và tất cả mọi người đã quan tâm đến tình trạng của ông và ông sẽ thông tin sau về vụ việc.
Trước đó, bị áp giải từ nhà về trụ sở Công an Phường Xuân La từ sáng, đến 12 giờ trưa, từ nơi tạm giữ LS Trần Vũ Hải qua điện thoại cho Gia Minh Đài ACTD biết, đã bị an ninh mặc thường phục đến tận nhà bắt giữ trái pháp luật. Lúc đó LS Trần Vũ Hải cũng đã yêu cầu là việc giải ông về trụ sở công an phải có con trai ông và hai luật sư đi cùng để tránh trường hợp giả danh công an bắt giữ người và có thể gây hại cho ông. LS Trần Vũ Hải tiếp lời:
“Các anh này đã từ chối những yêu cầu chính đáng của tôi, lôi xềnh xệch tôi như một con chó, con lợn lên công an mặc dù tôi phản đối. Việc lôi xềnh xệch tôi có con trai tôi, vợ tôi, lái xe của tôi và nhiều người khác chứng kiến.
Như vậy các anh ấy có ý đồ ngăn chặn quyền luật sư của tôi là quyền bảo vệ cho hai đồng nghiệp của tôi, cũng như quyền công dân của tôi là gặp ông đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Chung. Quyền của chúng tôi là nộp các đơn từ yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hành hung mà hiện nay công an Hà Nội chưa làm.”
Sự kiện LS Trần Vũ Hải bị công an triệu tập bằng võ lực sau đó được tạm thả, xảy ra trong bối cảnh ông và các luật sư đồng nghiệp, đang đấu tranh đòi công lý cho hai đồng nghiệp bị đánh là LS Trần Thu Nam và LS Lê Văn Luân. Ông Hải là trưởng nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai luật sư vừa nêu.
Không phải chỉ có mạng xã hội, phần lớn báo chí chính thức đã vào cuộc đưa nhiều tin bài về vụ hai luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ, khi họ thực hiện nghiệp vụ liên quan đến vụ án thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại tạm giam của Công an Hà Nội. Điểm tin báo chí có thể nhanh chóng thấy được cách xử lý khủng hoảng khác thường của Giám đốc Công an Hà Nội, cũng là Đại biểu Quốc hội Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.
Báo động tình trạng vô pháp luật
Báo điện tử VTC News bản tin trên mạng ngày 11/11/2015 đưa tin hai luật sư bị hành hung gởi thư mong muốn gặp tướng Nguyễn Đức Chung. Đây là phản ứng của hai vị luật sư, sau khi Công an Hà Nội họp báo vào ngày 10/11, công bố kết quả điều tra về vụ hai luật sư bị hành hung hôm 3/11 tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ. Theo đó, Công an Hà Nội kết luận là hai vị luật sư đã bị một nhóm người hành hung vì chạy xe ô tô làm tung bụi bẩn.
Vẫn theo VTC News, trong lá thư của mình gởi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội và cũng là Đại biểu Quốc hội, hai vị luật sư cho rằng, nội dung mà công an Hà Nội cung cấp cho các cơ quan báo chí chiều 10/11 là vừa thiếu chính xác vừa thiếu cẩn trọng. Trong khi đó VnExpress trích lời luật sư Lê Văn Luân khẳng định nguyên văn: “Bất ngờ bị chặn xe tấn công và dù 6 trong 8 người có đeo khẩu trang thì vẫn nhận ra người đầu tiên đánh và khống chế mình là một công an xã Đông Phương Yên”.
Trả lời Đài ACTD, Luật sư Trần Thu Nam phát biểu:
Chúng tôi cho rằng việc họp báo công bố từ một phía - căn cứ vào lời khai từ một phía, thì chưa được khách quan và không đúng sự thật. Tất cả những sự việc đó không đúng sự thật cho nên chúng tôi đã ghi trong thư cảm ơn để ông Chung xem xét thêm.
-LS Trần Thu Nam
“Chúng tôi cho rằng việc họp báo công bố từ một phía - căn cứ vào lời khai từ một phía, thì chưa được khách quan và không đúng sự thật. Tất cả những sự việc đó không đúng sự thật cho nên chúng tôi đã ghi trong thư cảm ơn để ông Chung xem xét thêm. Chúng tôi hiện thời cũng đang soạn thảo những văn bản đề nghị khởi tố vụ án, đề nghị khởi tố bị can - những người đánh chúng tôi, sẽ công bố sau.”
Có thể nói các báo điện tử chính thức ở Việt Nam cùng trong một ngày 11/11/2015 đã có rất nhiều tin bài với các nội dung có thể khiến chính quyền Hà Nội, đặc biệt là tướng Nguyễn Đức Chung phải cảm thấy bối rối. VnExpress cùng ngày có bài với tựa rất mạnh đập vào mắt độc giả “Đại biểu Quốc hội: Vì bắn bụi mà hành hung luật sư, xã hội sẽ loạn.” Trong bài, nhà báo trích lời ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đơn vị TP.HCM, báo động vê tình trạng luật sư bị phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, đe dọa tính mạng…
Vẫn theo VnExpress, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, bản thân cũng là luật sư, đã phát biểu bên lề phiên họp Quốc hội, đề nghị khởi tố ngay vụ án đánh hai luật sư mà Công an kết luận là vì phóng ô tô làm bắn bụi bẩn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh tới tình trạng theo đó, việc điều tra xét xử những hành vi xâm phạm quyền hành nghề của luật sư là quá chậm chạp và không đạt yêu cầu.
Phát biểu của LS Trương Trọng Nghĩa bên lề phiên họp Quốc hội có tính lan tỏa rất rộng, sự báo động về tình trạng vô pháp luật mà ông nhận định ‘vì bắn bụi mà hành hung luật sư, xã hội sẽ loạn’ có sức lan tỏa rất nhanh, không chỉ một mình VnExpress đưa lên mạng những lời này, nhiều báo điện tử khác cũng có bài và lời ông Nghĩa được tiếp sức bởi các trang mạng xã hội.
VietnamNet ngày 12/11 đưa lên mạng bài nhận định với tựa “Luật sư bị đánh và những sự thật xấu xí”. Bài viết xem vụ luật sư bị đánh như ghi nhận mới nhất của những sự thật xấu xí khiến phải đặt dấu hỏi về con đường trở thành quốc gia pháp quyền của Việt Nam.
Bài viết có tiểu tựa “Mùa pháp luật không trọn vẹn”, tác giả ghi nhận ngày 9/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Trước đó ngày 10/10 là ngày Luật sư Việt Nam, ngoài ra ngày 13/9 là Ngày Truyền thống của ngành Tòa án. Tác giả bài viết trưng dẫn một số vụ việc trong ba tháng 9-10-11 của điều gọi là mùa pháp luật không trọn vẹn. Một tuần trước Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, hai luật sư Trần Thu Nam, Lê Văn Luân bị hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội, hình ảnh người luật sư bê bết máu khi thi hành phận sự của mình làm lay động xã hội. Trước đó một tháng là vụ một phạm nhân bị bạn tù đánh chết trong trại tạm giam. Kế đến là vụ thẩm phán tuyên án treo cho người thân ở cấp trên và thú nhận bản án sẽ bị hủy ở phiên phúc thẩm; Ngoài ra trong Mùa Pháp Luật không trọn vẹn, còn có sự kiện, một sĩ quan cấp tá của công an huyện dùng nhục hình với một nữ công nhân nhưng chỉ bị giáng cấp.
Chúng tôi xin lập lại lời tác giả một lần nữa vì ý nghĩa sâu sắc của bài viết, những sự thật xấu xí đó khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về con đường trở thành quốc gia pháp quyền của Việt Nam. Luật sư bị đánh và những sự thật xấu xí như cách nói của VietnamNet, cách xử lý khủng hoảng của thiếu tướng Nguyễn Đức Chung Giám đốc Công an Hà Nội, mà giới chuyên môn nói là tạo thêm khủng hoảng, hiện còn chưa thấy hết hậu quả khôn lường.
Sự kiện trên 200 luật sư ký tên vào kiến nghị gởi gửi Quốc hội về việc góp ý sửa đổi Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa và những thủ tục bất cập khác cho thấy khủng hoảng pháp luật đã lan rộng. Thông tin còn nói 200 vị luật sư trong trang phục áo vét đen, cà vạt và sơ mi trắng dự kiến sẽ tuần hành tới Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Sở Công an Hà Nội để đòi thực thi công lý.
Nếu như cuộc tuần hành của 200 luật sư có thể diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, dù nhiều ý kiến cho rằng sẽ bị ngăn chặn, thì theo các nhà hoạt động, dự định này vẫn được cho là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội và là điều chưa từng xảy ra ở nước CHXHCN Việt Nam
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét