Pages

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Tọa đàm về Quyền lập Hội ở Việt Nam: món nợ 70 năm chưa đòi được - Phần 1

J.B Nguyễn Hữu Vinh, viết từ Hà Nội

620

Các thành viên của Chi hội, đại biểu của Hội anh em Dân Chủ và một số khách ngoại giao tham dự buổi tọa đàm
Photo by J.B Nguyen Huu Vinh































Ngày 21/1/2015, tại một quán cafe ở Hà Nội, Chi hội Miền Bắc, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm về Quyền lập Hội.

Tham dự buổi tọa đàm, ngoài các thành viên của Chi hội, lần đầu tiên Ts Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội từ Sài Gòn ra tham dự. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn đón nhận đại biểu của Hội anh em Dân Chủ và một số khách ngoại giao của các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh và Thụy Điển.
Mở đầu buổi Tọa đàm, Ts Phạm Chí Dũng đã chúc mừng Chi hội Miền Bắc vẫn giữ được nếp sinh hoạt đều đặn và ngày càng có chất lượng. Ông cũng nêu lên những nhận định về tình hình trong nước và quốc tế, những thuận lợi và khó khăn của Hội nhà báo Độc lập Việt Nam thời gian qua, cũng như hướng đi sắp tới của Hội và những việc cụ thể cần làm.
Tại buổi tọa đàm đã có những ý kiến sôi nổi của các thành viên cũng như các chuyên gia, các quan khách ngoại giao được thẳng thắn đề cập và mổ xẻ về tình hình ở Việt Nam, những khó khăn và những vấn đề đối với Quyền lập hội của người dân Việt Nam cũng như sự quan tâm của các chính phủ đối với quyền con người, trong đó có Quyền lập Hội.
Với một Hội đoàn được thành lập cách đây hơn một năm của những người có tâm huyết muốn cất lên tiếng nói độc lập, nói lên tiếng nói sự thật, tiếng nói của người dân, ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo bị đe dọa bằng nhiều cách, khủng bố bằng nhiều hình thức... Thì việc tổ chức cuộc hội đàm về Quyền lập hội ngay giữa Thủ đô có một ý nghĩa rất lớn lao.
Quyền tự do lập hội từ lời nói đến thực tế ở Việt Nam
Có lẽ từ thời tiền sử của loài người, việc kết giao, lập thành hội nhóm nhằm để chống lại và khắc phục những ảnh hưởng của thiên nhiên, môi trường, xã hội... là một nhu cầu minh nhiên và cơ bản của loài người.
Đến thời hiện đại, cả thế giới đặt vấn đề quyền con người lên hàng trọng tâm của sự quan tâm, thì Quyền tự do lập hội càng được tôn trọng. Trong lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ghi rõ:"Tự do hội họp và tự do lập hội là những quyền quan trọng giúp thực thi nhiều quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khác. Hai quyền này là "những thành tố thiết yếu của một xã hội dân chủ" vì nó cho phép các thành viên "bày tỏ quan điểm chính trị, tham gia vào các mục tiêu văn học và nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác, hình thành và gia nhập các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, bầu chọn những người lãnh đạo đại diện cho mình và buộc họ phải chịu trách nhiệm". Trong khi đó, Việt Nam không chỉ là một thành viên LHQ mà còn là một thành của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thế nhưng, Quyền lập hội ở Việt Nam cho đến thời điểm này ra sao?
Trước hết, chúng ta đi từ lời nói của những người Cộng sản Việt Nam về quyền này của công dân.
Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, nghĩa là cách đây hơn 70 năm, Hồ Chí Minh đã dõng dạc tố cáo:"Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào".
Với những lời lẽ đanh thép đó, người dân Việt Nam những đã tưởng rằng kể từ này, những quyền lợi về tự do, dân chủ và nhân đạo, chính nghĩa hơn(!)
Bản Hiến pháp năm 1946 khẳng định quyền của công dân, trong đó có các quyền hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".
Điều 70 của Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".
Thế rồi, các bộ luật Hình sự cũng có những điều khoản như thật về "Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, quyền hội họp, lập hội của công dân" như Điều 124 BLHS năm 1985, Điều 129 BLHS năm 1999.
Với những điều được ghi bằng giấy trắng, mực đen trên bản Hiến pháp, với những điều luật trong bộ luật Hình sự như vậy, nhìn từ bên ngoài, hẳn mọi người đều nghĩ rằng ở Việt Nam, quyền tự do lập hội của người dân hẳn rất được tôn trọng và thực thi triệt để.
Nhưng!
Hỡi ôi, đó chỉ là những văn bản và lời nói của người Cộng sản. Để thực thi quyền tự do Lập hội của người dân, hãy nhìn vào thực tế hiện nay. Đa số những quyền lợi cơ bản của người dân đều đã bị đánh tráo khái niệm và chơi trò tháu cáy.
Hầu hết, các điều khoản trong Hiến pháp hoặc bất cứ văn bản nào của nhà nước nói về "Quyền" của người dân đều được thòng theo mấy chữ: "theo quy định của pháp luật".
Vậy cái "quy định của pháp luật" đó là  gì? Sẽ là không có bất cứ quy định nào, để người dân không thể thực hiện được những quyền đó như quyền biểu tình, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do hội họp... và nhà cầm quyền sẵn sàng huy động bạo lực để trấn áp vì "chưa được phép". Sẽ là những văn bản nhằm hạn chế việc thực thi quyền của người dân, mà nhiều khi nhà nước bất chấp cả những ý nghĩa của câu chữ, của văn bản để áp đặt bằng được sự cai trị độc tài của mình như cái Nghị định 38CP quy định tập trung đông người nơi công cộng phải xin phép - mà đông người có nghĩa là từ 5 người trở lên - một sự hài hước sẽ trở thành kinh điển chắc chỉ có ở Việt Nam.
Cho đến nay, tháng 11/2015 các quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp từ 1946, nghĩa là đã 70 năm nay, vẫn là một món nợ của đám đầy tớ đối với ông chủ Nhân dân. Hầu hết những quyền như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, quyền biểu tình, quyền tự do tín ngưỡng... Tất cả đều chưa có luật, tất cả đều phải chờ.
Và vì chưa có luật, nên công dân không được tự do thực hiện những quyền của mình mà Hiến pháp đã ghi nhận từ cách đây 70 năm, nghĩa là gần 2/3 thế kỷ.
Cũng vì chưa có luật, do vậy nhà cầm quyền muốn hành xử cách nào, làm gì với quyền đó của công dân, đều phụ thuộc vào ý thích của hệ thống cầm quyền. Họ nghiễm nhiên coi như đó là một đặc ân, để họ có thể ban phát hoặc cấm đoán, đàn áp... tùy thích.
Cũng vì chưa có luật, nên những điều ghi trong Hiến pháp chỉ là những thứ để trang trí cho bộ mặt của nhà nước luôn rêu rao là "của dân, do dân, vì dân" với đám cán bộ là "đầy tớ của nhân dân" trước cộng đồng quốc tế.
Cũng vì chưa có luật, nên các hội, nhóm có thể thành lập và có thể tự phát miễn là ngoan ngoãn nằm trong sự quản lý theo ý thích của nhà nước. Điều này chỉ có tác dụng để nhằm cho nhà nước kể lể trước cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam cũng có đủ cả chục ngàn hội, nhóm đấy thôi, nghĩa là quyền tự do lập hội đã được tôn trọng. Hẳn nhiên, nếu chỉ là những hội nhóm vô bổ như chim, hoa, cá, gái... thì được và chẳng cần xin phép, miễn là những hội viên đó không cần quan tâm đến chính trị, đến sự cai trị độc tài nhà nước hoặc các vấn đề với lãnh thổ, với quyền sống của xã hội và quyền công dân.
Ngược lại, những ai nhen nhúm thành lập các nhóm, hội có ý tưởng hoặc sự quan tâm đến các vấn đề có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến sự cai trị độc tài, lập tức được sự chú ý và các biện pháp đàn áp tàn bạo hoặc "nghiêm trị vì chưa được phép" - điều mà có nằm mơ, thì dân Việt Nam cũng chẳng bao giờ thấy cái giấy phép đó ở đâu dưới thời Cộng sản.
Cũng vì chưa có luật, nên cái gọi là "quyền tự do tôn giáo, được bảo đảm, cơ sở tôn giáo được luật pháp bảo hộ" đến mức mà hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn bị "mượn", chiếm, cướp... đến 2.500 cơ sở mà không có bất cứ cơ sở pháp luật nào.
Duy nhất, ở Việt Nam có một tổ chức không cần có luật, vẫn có thể ngang nhiên hoạt động, tự tung tự tác, tự áp đặt lên đầu, lên cổ nhân dân cái tròng cai trị của mình. Đó là tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù Hiến pháp đã quy định rõ "đảng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật".
Và bên cạnh đó, một số Hội, Liên hiệp Hội, Đoàn, Mặt trận... được nhà nước đẻ ra, để làm cánh tay nối dài cho Đảng CS thì nghiễm nhiên được nuôi nấng bằng tiền dân mà không ai được bàn cãi.
Hà Nội, ngày 23/11/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào: