Pages

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Vì sao Quốc Hội CSVN phản bác đề nghị xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước?

Vừa xuất hiện thêm một xung đột lớn giữa Quốc hội và Chính phủ CSVN, liên quan đến đề nghị “xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước” của bên hành pháp.
Một số đại biểu quốc hội và báo chí cùng lúc lên tiếng phản bác: Việc xóa nợ thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách, và vô hình chung đã hợp thức hóa hành động gian lận và trốn thuế.

Ngay cả đại biểu Trần Hoàng Ngân – một nhân vật luôn ca ngợi “tính đúng đắn” trong hầu hết báo cáo tô hồng quá đáng của Chính phủ, cũng phải cho rằng không nên thực hiện xóa nợ thuế doanh nghiệp nhà nước. Vì lẽ nếu xóa nợ các khoản thuế này sẽ không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Ông Ngân còn đề nghị không những không được xóa nợ, mà còn cần phải truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm khi chậm và nợ thuế lớn.
Một đại biểu khác - ông Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) - cho rằng rất có thể trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng. Nếu điều tra ra rất có khả năng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nay nhà nước quy định xóa nợ thuế của các doanh nghiệp như vậy sẽ không truy trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân đã gây ra thất thu lớn. Những tập thể, cá nhân như vậy nghiễm nhiên là có thể thoát tội.
Không khí phản bác trên xuất hiện trong kỳ họp Quốc hội Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.
Trước đó vào tháng 9/2015, Bộ tài chính và Chính phủ cũng lấp ló đề nghị xóa khoảng 10,000 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp nhà nước. Có một chi tiết hơi lạ là vào lúc đó, đề nghị này lại nhận được sự đồng tình của một ít đại biểu quốc hội và một số tờ báo. Khá nhiều lý do “kể khổ” đối với tình cảnh lỗ lã của khối doanh nghiệp nhà nước đã được nại ra để thuyết phục dư luận và Quốc hội. Đó cũng là thời gian mà Hội nghị trung ương 11 kết thúc với cán cân nhân sự cao cấp có vẻ khá “bằng phẳng”.
Nhưng sau Hội nghị trung ương 12, một số tin tức cho biết tương quan lực lượng đã trở nên bất lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó cho phía chính phủ. Không quá khó hiểu là không ít đại biểu quốc hội và báo chí cũng “tự chuyển hóa” quan điểm, chuyển sang phản bác những đề xuất trái tai gai mắt của giới quan chức chính phủ. Thậm chí vài đại biểu còn can đảm nhắc lại bài học về Vinashin và Vinalines – hai tập đoàn gây lỗ, nợ và án hình sự kinh khủng, như một cách gián tiếp đề cập đến trách nhiệm của Thủ tướng Dũng.
Một lý do “tế nhị” khác, là nếu không được xóa nợ thuế, nhiều khả năng sẽ xuất hiện yếu tố tội phạm hình sự tại một số doanh nghiệp nhà nước, có liên quan đến giới quan chức chính phủ. Nếu những việc này bị giới đảng điều tra, không loại trừ phe chính phủ càng bị thất thế trước đại hội đảng cầm quyền lần thứ 12.
Làn sóng phản bác việc xóa nợ thuế doanh nghiệp nhà nước diễn ra gần như đồng thời với tiết lộ chưa từng có của ông Bùi Quang vinh- Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư – về thực trạng ngân sách trung ương chỉ còn vẻn vẹn 45,000 tỷ đồng mà ‘không biết dùng cho cái gì”. 
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: