Pages

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Ba vấn đề đáng chú ý nhất trong năm 2013 ở Việt Nam


Kinh tế suy thoái, niềm tin vào tương lai suy giảm, dân chúng Việt Nam vừa không có tiền, vừa hạn chế chi tiêu tới mức tối đa khiến các trung tâm thương mại vắng vẻ như trong ảnh. Mãi lực sụt giảm - hàng hóa tồn đọng - sản xuất đình đốn - doanh nghiệp phá sản – thất nghiệp tràn lan - ngân sách thất thu tạo ra một vòng luẩn quẩn kéo kinh tế Việt Nam xuống đáy.

Trong hàng loạt sự kiện xảy ra suốt năm vừa qua tại Việt Nam, Sống Magazine quyết định chọn ba nhóm sự kiện cho thấy ba vấn đề đáng chú ý nhất.

Kinh tế Việt Nam suy thoái chưa từng thấy

Năm vừa qua tại Việt Nam, nguồn thu cho ngân sách quốc gia bị hụt ít nhất là 63 ngàn tỉ, trong khi bội chi lên tới 140 ngàn tỉ. Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam đề nghị Quốc hội Việt Nam cho phép nâng mức bội chi của cả năm 2013 lên thành 195.500 tỷ, tương đương 5.3% GDP.

Thất thu ngân sách là hệ quả của hàng loạt sai lầm trong quản trị, điều hành kinh tế vĩ mô từ nhiều năm trước đó. Hồi 2008, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam tung ra một lượng vốn khổng lồ (gồm cả ngân sách lẫn tiền đi vay), đầu tư vô tội vạ cho các dự án mà chẳng ai rõ hiệu quả sẽ như thế nào, chỉ nhằm đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, biến tăng trưởng thành một thứ thành tích. Lượng vốn khổng lồ này là nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên đến 18,1 % vào năm 2010. Các biện pháp nhằm giảm lạm phát đã khiến kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Cuối năm ngoái, giới lãnh đạo đảng, quốc hội, chính phủ Việt Nam “nhất trí” với mức phát triển cho 2014 là 5,8% GDP – thấp chưa từng có trong lịch sử, song Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam khẳng định, năm nay, Việt Nam vẫn không thể nào đạt được mức này.

Do hàng loạt sai lầm trong quản trị, điều hành, năm 2013, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phá sản hàng loạt. Nếu năm 2012, có 300 ngàn trong số 700 ngàn doanh nghiệp ở Việt Nam phá sản thì sang năm 2013, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, loan báo, có thêm 60.737 doanh nghiệp nữa tại Việt Nam hoặc giải thể, hoặc ngừng hoạt động. Chưa kể theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 42% số doanh nghiệp đang tồn tại bị thua lỗ. Những chỉ số giúp lượng định tính hiệu quả của các doanh nghiệp như: chỉ số thanh toán hiện tại, chỉ số thanh toán nhanh, khả năng trả lãi vay ngân hàng,... đều tụt giảm đáng ngại. Các thống kê cho thấy chỉ có chỉ số nợ là tăng vọt.

Doanh nghiệp phá sản hàng loạt khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Nông nghiệp và nông dân cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng “người cày bỏ ruộng” vì không thể sống được bằng trồng trọt, chăn nuôi lan rộng khắp Việt nam, Tỷ lệ đói khổ gia tăng. Cuối năm 2013, có 11 tỉnh xin cứu đói khẩn cấp. Thất nghiệp, đói nghèo làm trật tự xã hội trở nên hỗn loạn chưa từng có. Bộ trưởng Công an thú thật, các vụ phạm pháp và tỷ lệ tội phạm tỷ lệ thuận với suy thoái kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, tình hình kinh tế năm 2014 sẽ còn ảm đạm và bi đát hơn năm 2013.
Phản kháng diễn ra công khai trên diện rộng 
 

Hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình đòi phải điều tra – xác định lại nguyên nhân khiến một thanh niên tên Nguyễn Tuấn Anh thiệt mạng, hồi tháng 3 năm 2013 tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan, đủ loại vấn nạn bùng phát trong tất cả mọi lĩnh vực, bất công vượt quá ngưỡng là lý do khiến 2013 trở thành năm của vô số vụ phản kháng công khai xảy ra trên diện rộng.

Nếu những năm trước, các vụ biểu tình đáng chú ý thường chỉ liên quan đến chính trị đối ngoại (chống Trung Quốc xâm hại chủ quyền quốc gia) thì trong năm 2013, biểu tình chống áp bức, chống cưỡng đoạt tài sản, chống thói vô trách nhiệm trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế, chống xâm hại tự do tôn giáo xảy ra khắp nơi, suốt từ đầu năm đến cuối năm.

Năm 2013 là năm của biểu tình phản đối công an đánh dân (Nghệ An, Vĩnh Phúc,...), biểu tình phản đối thu hồi đất (Đông Anh – Hà Nội, Dương Nội – Hà Nội, Văn Giang – Hưng Yên,...), biểu tình đòi truy cứu trách nhiệm của những nhân viên y tế thiếu lương tâm – kỹ năng nghề nghiệp làm chết bệnh nhân (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,...), biểu tình chống chính quyền can thiệp vào hoạt động tôn giáo (các cuộc biểu tình của cộng đồng Khmer Krom ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang), biểu tình chống xâm hại tự do tôn giáo (Cao Đài ở Long An, Hòa Hảo ở Đồng Tháp, Công giáo Giáo phận Vinh,...).

Đáng lưu ý là những vụ phản kháng mang sắc thái của nổi loạn đang gia tăng. Chẳng hạn vụ nổi loạn ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình hồi tháng 5 năm 2013, được chính báo giới Việt Nam xem như một bài học cho các doanh nghiệp chuyên dựa vào chính quyền và côn đồ để trục lợi.

Năm 2012, tỉnh Ninh Bình giao cho Công ty Cúc Phương 15 héc ta đất để xây dựng Khu du lịch Thung Phương. Công ty này đã xây hàng rào bao quanh khu đất được giao, sau đó tiếp tục xin thêm 10 héc ta nữa để làm “hành lang xanh”. Chính quyền tỉnh Ninh Bình đồng ý nhưng chưa ban hành quyết định giao đất.

Tin chắc sẽ có thêm 10 héc ta đất, sáng 11 tháng 5, Công ty Cúc Phương thuê xe đến đào xới, san ủi khu vực bên ngoài hàng rào Khu du lịch Thung Phương, trong khi đây là nơi, trước nay, dân chúng hai thôn Đồng Tâm và Đồng Quân thuộc xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vẫn trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Cũng vì vậy, một số nông dân đã phản đối.

Sau đó, Công ty Cúc Phương thuê hai xe taxi, chở sáu thanh niên, xăm trổ vằn vện trên người tới xua đuổi dân chúng địa phương ra khỏi khu vực canh tác của họ. Sáu thanh niên này đã sử dụng dao, kiếm, đuổi đánh những người phản đối việc san ủi, đào xới của Công ty Cúc Phương, bất kể đa số là phụ nữ và trẻ con. Tờ Thanh Niên mô tả, “cả khu vực náo loạn vì tiếng gào thét, chửi bới tục tĩu của nhóm côn đồ và tiếng kêu khóc của dân”. Thậm chí có một thanh niên ở thôn Đồng Quân đã quỳ xuống giữa đường, giơ tay xin nhóm côn đồ dừng truy đuổi, đánh đập phụ nữ, trẻ em nhưng bị nhóm này đánh trọng thương.

Uất ức trước cảnh tượng trên, hàng trăm người dân đổ tới, dồn nhóm côn đồ vào phía trong Khu du lịch Thung Phương. Cho rằng bên trong Khu du lịch Thung Phương là nơi bất khả xâm phạm, nhóm côn đồ tiếp tục leo lên mái nhà, tụt quần, thách thức dân chúng làm cho sự phẫn nộ của dân chúng lên tới đỉnh điểm. Một số người đã leo qua hàng rào, mở cổng cho mọi người tràn vào đánh nhóm côn đồ.

Tới lúc này chính quyền địa phương mới xuất hiện song công an địa phương không thể vãn hồi được trật tự. Dân chúng cương quyết không cho công an đưa nhóm côn đồ đi cấp cứu, nếu chủ công ty Cúc Phương không đứng ra xin lỗi họ...

Hạ tuần tháng 5, chính quyền xã Cúc Phương đã tổ chức cho ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Cúc Phương, đứng ra xin lỗi dân chúng. Theo tường thuật của báo giới, ông Thịnh hứa sẽ không “xin” tỉnh Ninh Bình thêm mét đất nào trên địa bàn xã Cúc Phương nữa. Cũng trong cuộc họp, ông Đinh Duy Hải, Bí thư xã Cúc Phương yêu cầu Công ty Cúc Phương phải nhanh chóng bồi thường thỏa đáng cho những người dân bị nhóm côn đồ mà ông ta thuê, gây thương tích. Ông Hải cũng tuyên bố, dân chúng và chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm về thương tích của sáu thành viên trong nhóm côn đồ mà Công ty Cúc Phương đã mướn.

Dựa vào chính quyền để chiếm đoạt đất trên giấy tờ, sử dụng côn đồ để hăm dọa, trấn áp dân khi tiến hành cưỡng đoạt đất trên thực tế, vốn là phương thức phổ biến mà những cá nhân là chủ các “doanh nghiệp thân hữu” (cách gọi những doanh nghiệp hoạt động với sự trợ giúp của chính quyền) tại Việt Nam thường sử dụng. Đây là vụ đầu tiên mà nông dân thẳng tay trị côn đồ, dằn mặt cả chính quyền lẫn những kẻ vẫn quen dựa vào chính quyền để cướp đoạt đất của họ.
Ngoài các cuộc biểu tình, phản kháng công khai còn xảy ra dưới nhiều hình thức như tự soạn thảo các kiến nghị yêu cầu bỏ Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp mới. Tự thành lập các nhóm dân sự để vận động cho dân chủ, nhân quyền. Tuyên bố ly khai Đảng CSVN.

Một điểm đáng chú ý khác là càng ngày càng nhiều trí thức, cán bộ, đảng viên CSVN tham gia vào các hoạt động phản kháng. 
Nhận thức lại về chính thể Việt Nam Cộng Hòa 
 

Bất chấp sự ngăn cản và quấy rối của công an, nhiều người, nhiều giới vẫn đổ về vườn hoa Chí Linh ở Hà Nội để tưởng niệm và bày tỏ sự tri ân những tử sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.

Do Trung Quốc càng ngày càng càn rỡ, nhiều người Việt trong nước bắt đầu tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Quá trình tìm kiếm thông tin liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa khiến họ phát giác nhiều điều mới mẻ về Việt Nam Cộng hòa – chính thể từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn từ 1954 – 1975. Những điều đó khác hẳn những gì họ đã từng nghe, từng biết qua tuyên truyền.

2013 là năm mà trên nhiều diễn đàn điện tử, nhiều trang blog, trang cá nhân trong hệ thống facebook đưa hàng loạt bài viết, hình ảnh giới thiệu về Sài Gòn trước 1975, về giáo dục, luật pháp thời Việt Nam Cộng hòa, về những nhân vật trong chính thể Việt Nam Cộng hòa, về cuộc chiến Nam – Bắc... Đặc biệt là về những nỗ lực của chính thể Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Những bài viết, hình ảnh này không chỉ được dùng để đối chiếu với những điều chính quyền Cộng sản Việt Nam từng tuyên truyền, mà còn được đem ra so sánh về thực trạng Việt Nam hiện nay và tạo ra nhiều ngậm ngùi, đồng cảm.

Những bài viết, hình ảnh đó còn là lý do nảy sinh hàng loạt yêu cầu đòi trả lại sự thật cho lịch sử nhân dịp tròn 40 năm Trung Quốc cưỡng đoạt Hoàng Sa, đòi tưởng niệm và tri ân 74 tử sĩ là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.

Đúng 40 năm sau trận hải chiến Hoàng Sa, báo chí Việt Nam đăng hàng loạt bài giới thiệu về những nỗ lực của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Ngoài công chúng, không ít cán bộ, đảng viên cao cấp trong chính quyền CSVN, tán thành ý tưởng, cần phải vinh danh 74 tử sĩ đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.

Một cựu trung tướng quân đội CSVN tên là Nguyễn Quốc Thước nói với tờ Thanh Niên: “Lên án chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hòa chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau”.

Trong một bài viết, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang kể rằng, các đồng chí của ông ta, vốn là những cựu bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo quân đội, lãnh đạo công an mong muốn, ít nhất chính quyền CSVN hãy công nhận 74 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh tại Hoàng Sa là “liệt sĩ”, vì đó là vấn đề chủ quyền dân tộc.

Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Trưởng Ban Dân vận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN thì gửi thư ngỏ cho Thủ tướng, Chủ tịch và Bí thư Hà Nội, kêu gọi họ hãy cùng dân xuống đường vì Hoàng Sa, lên án Trung Quốc xâm lược, tôn vinh gương anh dũng hy sinh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa năm xưa.
 
(Sống Magazine)

Không có nhận xét nào: