Bìa tác phẩm "Đảo điên với hồng trần" của Mộ Dung Tuyết Thôn.DR
Le Monde số đề ngày hôm nay có bài viết mang tựa « Đế quốc dối lừa », cho rằng tuyên truyền cộng sản cũng cùng nguyên tắc « tẩy não » như loại hình bán hàng đa cấp.
Cuối năm 2009, nhà văn Trung Quốc Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun), tên thật là Hác Quần (Hao Qun), đã bỏ ra 23 ngày để thâm nhập một nhóm thuộc hệ thống bán hàng đa cấp, một kiểu lừa đảo đang nở rộ tại Trung Quốc. Từ thực tế này, ông đã viết một cuốn sách xuất bản trong nước năm 2010.
Tác giả muốn nói với chúng ta rằng bọn lừa đảo sử dụng cùng một loại công cụ với các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản đang nắm quyền : đó là dân tộc chủ nghĩa, cùng với các thủ thuật vận dụng ngôn từ. Họ tự xưng là những người bảo vệ tổ quốc, được chính phủ ủng hộ để lập nên các tập đoàn thương mại hùng mạnh. Quyết tâm vượt qua những công ty ngoại quốc tìm cách thôn tính đất nước như vào cuối thế kỷ 19.
Những người điều khiển mạng lưới núp sau những từ ngữ đao to búa lớn để che giấu ý định thực sự của họ là « xúc tiến bán hàng ». Một trong những người cầm đầu mạng lưới mà nhà văn xâm nhập thản nhiên giải thích với ông là tỉ phú Mã Vân (Ma Yun hay Jack Ma), người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã được đào tạo về bán hàng đa cấp. Người này nói : « Nếu ông ấy không được Nhà nước ngầm ủng hộ, làm sao có thể làm ăn lớn như thế được ? »
Một Trung Quốc bị đồng tiền ám ảnh
Cuộc điều tra này là một bổ sung hữu ích cho các tiểu thuyết của Mộ Dung Tuyết Thôn, nhất là tác phẩm « Thành Đô, hãy quên tôi đêm nay » (NXB Olivier, Pháp in năm 2006 với tựa « Oublier Chengdu ») hay « Đảo điên trong chốn hồng trần » (« Danse dans la poussière rouge », NXB Gallimard, 2013), mô tả một Trung Quốc bị ám ảnh bởi đồng tiền và thành công bằng mọi giá. Trong đó người ta tìm thấy những nhân vật bất lương, kẻ này tìm cách lừa gạt người kia.
Theo Le Monde, đây là một cuốn sách mang tính chính trị, dưới dạng cuộc điều tra trong một Trung Quốc sâu thẳm, bất hạnh. Bởi vì tác phẩm không chỉ tự giới hạn trong việc mô tả một nhóm lừa đảo nhỏ hoành hành ở thành phố Thượng Nhiêu (Shangrao) tỉnh Giang Tây (Jiangxi) miền đông nam, và nỗ lực của bọn chúng để thu hút những kẻ ngờ nghệch mới. Mà đó là một phản ứng rộng hơn về Trung Quốc hiện đại, ở đó ngay cả những người sáng suốt nhất cũng bị ru ngủ, và tác hại của một hệ thống toàn trị khiến người ta mất đi ý thức phản biện.
Hồi cuối tháng Chín trong khuôn khổ hoạt động Monde Festival tại Paris, nhà văn thổ lộ : « Nhóm mà tôi thâm nhập gồm có khoảng một trăm người. Có thể coi đây là một xã hội nho nhỏ. Nước Trung Quốc nơi tôi sống có đến 1,3 tỉ người (…) Khi sống trong cái xã hội 100 người ấy, tôi hiểu rằng muốn tẩy não rất dễ, ngay cả những lời nói dối rất dễ nhận ra cũng có người tin. Việc tuyên truyền chống lại những giá trị căn bản cũng được chấp nhận. Người ta sẵn sàng tin tất cả ».
Nợ doanh nghiệp Trung Quốc : 200% GDP
Trong lãnh vực tài chính, trên trang ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos, tác giả Jean-Marc Vittori trong bài « Luôn và vẫn luôn là nợ », cho rằng không thể hiểu được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới nếu không nhìn vào con số nợ đang bùng nổ. Đó là trung tâm của khủng hoảng, và khả năng tìm lại tăng trưởng cũng nằm ở đây.
Tình trạng thiếu sinh khí của kinh tế nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung ; sự do dự của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc nâng lãi suất ; những quan ngại về Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo tác giả, gốc rễ vẫn là vấn đề nợ nần.
Nợ của Hoa Kỳ đã vượt qua ngưỡng 50.000 tỉ đô la năm 2009 và nay lên đến gần 60.000 tỉ đô la. Châu Âu với số nợ 40.000 tỉ đô la năm 2008 đã ngưng ở mức trần này, còn Trung Quốc từ 10.000 tỉ đô la năm 2009 nay đã lên đến 30.000 tỉ đô la. Riêng nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc nay đã chiếm đến 200% GDP, khiến người ta phải toát mồ hôi lạnh.
Hậu quả là một thế giới ngập trong nợ nần. « Thập kỷ mất mát » của châu Mỹ la-tinh trong thập niên 80 đã chứng minh : một khi vấn đề nợ chưa có câu trả lời, khi các chủ nợ chưa chấp nhận thực tại cay đắng là không thể thu hồi lại toàn bộ vốn, tăng trưởng thực sự vẫn chỉ là vô vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét